31/03/2009 - 21:55

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Nền kinh tế đã chuyển biến tích cực, tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

* Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng vừa phải khi kinh tế toàn cầu phát triển chậm

“Chính phủ sẽ báo cáo với Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để trình Quốc hội điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 từ 6,5 % xuống khoảng 5% cho phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới hiện nay. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế tác động trực tiếp đến các lĩnh vực, trước hết là xuất khẩu, đầu tư,... nhưng trong quý I-2009, nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực, tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước không thể chủ quan trong ngăn chặn suy giảm kinh tế!’’. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy khi kết thúc phần thảo luận tình hình kinh tế- xã hội quý I-2009 và nhiệm vụ kinh tế- xã hội từ nay đến cuối năm, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, diễn ra trong 3 ngày 30, 31-3 và 1-4, tại Trụ sở Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố tham dự phiên họp thường kỳ Chính phủ thông qua hệ thống mạng truyền hình trực tuyến ngay tại địa phương.

Thủ tướng chỉ rõ: Các Bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát tình hình kinh tế trong nước và các nước để có những dự báo chính xác; từ đó tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức với những nhóm giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Với những chuyển biến tích cực, chúng ta hy vọng trong quý II, quý III, quý IV năm nay, tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ dần ở mức cao hơn, bội chi ngân sách không quá 8% và phấn đấu năm 2009 lạm phát không quá 6%.

Về triển khai các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yếu tố kịp thời trong giải ngân các nguồn vốn. Về chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng phải tiếp tục điều chỉnh lãi suất cơ bản, lãi suất chiết khấu; mở rộng cho vay vốn đầu tư thời hạn 2 năm với hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong gói kích cầu 17.000 tỉ đồng của Chính phủ; bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu thiết bị máy móc để đổi mới công nghệ,... Về an sinh xã hội, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương làm khá tốt, cần tiếp tục làm tốt hơn, nhất là các Chương trình hỗ trợ 61 huyện nghèo thoát nghèo bền vững, nhà ở xã hội. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính cần chủ động làm tốt công tác chuẩn bị để từ 1-5-2009 thực hiện tăng lương cơ bản theo lộ trình tăng lương đã đề ra. Cùng với phòng, chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội khác, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần bám sát nhiệm vụ chính trị hiện nay là góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt công tác tổng điều tra dân số nhà ở bắt đầu từ ngày 1-4-2009 và làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, hạn chế tới mức thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra...

Trong hai ngày 30 và 31-3, phiên họp Chính phủ đã dành phần lớn thời gian nghe, thảo luận về các báo cáo: Tình hình thực hiện kinh tế- xã hội năm 2008 và triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2009; Tình hình triển khai thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008 và tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, các giải pháp xử lý thâm hụt thu ngân sách nhà nước năm 2009; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày.

Ngày 1-4 - ngày cuối cùng của phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ sẽ nghe và cho ý kiến về một số dự án luật, trong đó có dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khám, chữa bệnh và một số nội dung quan trọng khác.

* Tại họp báo sáng 31-3, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho biết, mặc dù chịu tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu như tình trạng của các nước khác, Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng ở mức độ vừa phải, dự tính đạt 4,5% trong năm 2009 và tăng lên 6,5% vào năm 2010.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết: “Thách thức trong ngắn hạn đối với Việt Nam là phải hạn chế sự tăng trưởng chậm chạp trong khi vẫn kiểm soát được thâm hụt tài chính và thâm hụt tài khoản vãng lai”.

Để có những dự báo trên, báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2009 (ADO), báo cáo thường niên của ADB dự báo về các xu hướng kinh tế ở châu Á ghi nhận triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình trạng tiêu cực của thời gian và mức độ suy thoái kinh tế toàn cầu và khả năng áp dụng các biện pháp kích thích tài chính bổ sung của Chính phủ Việt Nam. Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong nước là không thể tránh khỏi dẫn tới một số lĩnh vực bị tác động.

Từ những nhận định, đánh giá trên ADB đưa ra khuyến nghị: Chính phủ cần đẩy mạnh các cải cách kinh tế và mở cửa hơn nữa nền kinh tế theo các cam kết với WTO nhằm đảm bảo lòng tin của các nhà đầu tư và của công chúng. Những hành động mang tính chính sách này sẽ đảm bảo dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào trong nước. Giám đốc ADB nhấn mạnh: “cần có sự lưu tâm đặc biệt để giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người nghèo. Trong trung hạn, Chính phủ cần thúc đẩy tăng trưởng mà không làm tăng lạm phát hoặc tăng thâm hụt tài khoản vãng lai”.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra bản Cập nhật dự báo 2009 đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ có sự tăng trưởng chậm tại các nước đang phát triển vào cuối năm nay và sẽ có sự tăng trưởng nhẹ của phục hồi vào đầu năm 2010.

QUANG LIÊN - NGUYỄN VŨ HÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết