27/10/2009 - 07:37

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XII

Nên hỗ trợ trực tiếp sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp giải quyết nhu cầu nhà ở

* Cần có quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện

Chiều 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (TGTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Nhiều đại biểu đều nhất trí Nhà nước cần có những chính sách để giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân tại các KCN, nhưng còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Thị Loan ( Hà Nội) cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp vào các đối tượng như sinh viên, công nhân, người nghèo thay vì giảm thuế. Nếu giảm thuế mà áp dụng giống nhau thì rất khó kiểm soát, khó phân định, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, không chỉ đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân. Dự thảo Luật tiềm ẩn nguy cơ khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực và các đối tượng sinh viên, công nhân, người nghèo không được thụ hưởng những sự ưu đãi của Nhà nước. Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cùng có chung băn khoăn cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể cho công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện khi Luật được ban hành để đảm bảo hiệu quả. Trong cơ chế thị trường hiện nay, thay vì giảm thuế cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở, Nhà nước nên sử dụng biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, công nhân, giúp các đối tượng này có thể đảm bảo nhu cầu nhà ở của mình. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, sửa luật là việc nên làm, nhưng để không lãng phí vốn của nhà nước, cần nắm tổng cung, tổng cầu ở từng địa phương. Bên cạnh đối tượng doanh nghiệp, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm đối tượng cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân. Việc khống chế trần mức lãi suất và giá trị xây dựng nhà cũng cần được nghiên cứu lại vì sẽ không đảm bảo tính khuyến khích doanh nghiệp cũng như chất lượng nhà, hoạt động duy tu, bảo dưỡng nhà.

Cũng có chung ý kiến với đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường và đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với Dự thảo Luật nhưng cho rằng, quy định ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng là dự án riêng có số vốn đầu tư 20 tỉ đồng (10 tỉ đồng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn) sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

* Trước đó, sáng 26-10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tần số vô tuyến điện (TSVTĐ), ý kiến của các đại biểu Quốc hội (QH) chủ yếu xoay quanh 3 nhóm vấn đề: Chính sách của Nhà nước về TSVTĐ; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý chuyên ngành TSVTĐ; thanh tra chuyên ngành TSVTĐ. Trong đó, nổi bật là việc có quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành TSVTĐ trong Luật hay không?

Nhiều đại biểu tán thành cần có quy định riêng về cơ quan quản lý chuyên ngành TSVTĐ, trong đó quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này, có trách nhiệm phối hợp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TSVTĐ. Các ý kiến này đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cho rằng: Để đảm bảo việc quản lý thống nhất, phân bổ và sử dụng hiệu quả TSVTĐ, cần có một cơ quan quản lý chuyên ngành có vị trí pháp lý và năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ đủ mạnh. Mặt khác, việc quy định vị trí pháp lý của cơ quan quản lý chuyên ngành TSVTĐ trong Luật là phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về minh bạch hóa các chính sách quản lý tài nguyên viễn thông và TSVTĐ đồng thời đảm bảo sự ổn định lâu dài của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Các đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam), Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng cần tính tới tính thống nhất của pháp luật. Cơ quan quản lý chuyên ngành TSVTĐ, xét về địa vị pháp lý chỉ là cơ quan cấp vụ thuộc Bộ TTTT mà chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của các cơ quan này, QH đã ủy quyền Chính phủ quy định, không nên quy định trong Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), Lê Bộ Lĩnh (An Giang)... cho rằng quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành TSVTĐ trong Luật này không trái với quy định của Hiến pháp, pháp luật. Luật muốn khả thi phải đưa ra được những nguyên tắc và thể chế, định chế để thực hiện. Việc quy định cơ quan quản lý chuyên ngành nhằm đảm bảo tính cụ thể của Luật. Trong thực tiễn, cơ quan này cũng đã tồn tại và làm tốt nhiệm vụ của mình. Mặt khác, nếu đã quy định trong luật thì nên quy định rõ một số chức năng của cơ quan này.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Dự thảo quy định rõ Bộ TTTT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, cơ quan chuyên môn là cơ quan chịu trách nhiệm giúp việc cho Bộ. Trong thực tế, cơ quan này cũng đã tồn tại và hoạt động hiệu quả. Phó Chủ tịch QH đề nghị các vị đại biểu tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này. UBTVQH cũng sẽ bàn thảo, nghiên cứu về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ trong luật này.

XUÂN KHU-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết