13/06/2011 - 08:52

NASA phóng vệ tinh khảo sát đại dương

Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) hôm 10-6 đã phóng một vệ tinh giám sát hàm lượng muối trên bề mặt các đại dương của Trái đất và đánh giá độ mặn của nước biển có quan hệ như thế nào đến biến đổi khí hậu.

Vệ tinh Aquarius/SAC-D, được phóng đi từ căn cứ Không quân Vandenberg ở California, với nhiệm vụ thiết lập bản đồ toàn bộ mặt biển 1 lần/tuần từ độ cao 657 km so với mặt đất, sau đó đưa ra ước tính về sự thay đổi của hàm lượng muối trong từng thời gian và địa điểm. “Trước khi có Aquarius, công việc giám sát độ mặn của nước biển hầu hết được tiến hành bởi các tàu thuyền thương mại, nên thông tin thu thập được không đầy đủ”, các nhà nghiên cứu NASA cho biết.

Được biết, nhiệm vụ khảo sát mặt biển thế giới dự kiến kéo dài 3 năm. Vệ tinh Aquarius/SAC-D còn mang theo 7 công cụ hỗ trợ để “thu thập dữ liệu về môi trường phục vụ cho hàng loạt ứng dụng, bao gồm các nghiên cứu về những hiểm họa tự nhiên, chất lượng không khí, nghiên cứu dịch bệnh…”.

THANH TRÚC (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết