14/03/2018 - 15:00

Nâng tầm xã nông thôn mới Giai Xuân 

Năm 2014, xã Giai Xuân được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn thôn mới và trở thành xã “về đích” thứ 2 của huyện Phong Điền. Không chủ quan trước những kết quả đạt được, từ đó đến nay, lãnh đạo và nhân dân Giai Xuân luôn chú ý đến việc cải thiện chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí “động” và đạt tỷ lệ chưa cao…

Lãnh đạo thành phố và huyện Phong Điền khảo sát, tìm hướng hỗ trợ cho hoạt động của Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng.

 

Tiếp tục nâng chất

Ông Phạm Minh Giúp, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, chia sẻ: “Xuất phát điểm với 11/20 tiêu chí (năm 2011), sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, Giai Xuân được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Là một trong những địa phương “về đích” sớm của huyện trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhưng chúng tôi xác định không lơ là, chủ quan trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, xã tập trung nâng chất các tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững như: giao thông, thủy lợi, thu nhập, môi trường, tổ chức sản xuất, hộ nghèo, y tế, trường học”. Theo ông Phạm Minh Giúp, được sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân và sự quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn từ các cấp, việc hoàn thiện các tiêu chí đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, diện mạo và đời sống người dân nông thôn thêm khang trang, sung túc.

Giai đoạn 2016-2017, các tiêu chí liên quan đến kết cấu hạ tầng nông thôn vừa đảm bảo phục vụ sản xuất và đáp ứng yêu cầu dân sinh được xã đặc biệt chú ý. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi-măng, nhân dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc và đóng góp cát, đá, ngày công lao động, xã đã thực hiện xây mới, nâng cấp 12,6km và sửa chữa 15km đường giao thông nông thôn; bắc mới, sửa chữa 43 cây cầu nông thôn. Cũng trong giai đoạn này, huyện đầu tư 943 triệu đồng để nạo vét 15,4km kênh thủy lợi, gia cố 115 đập, khắc phục 95m đường sạt lở và thực hiện khép kín 650ha vườn cây ăn trái. Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn xã đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên, an toàn đạt 99,5%. Nâng chất tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, xã hiện đã có 3 chợ nông thôn cơ bản đáp ứng nhu cầu giao lưu, mua bán hàng hóa của người dân.

Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, Giai Xuân tập trung xây dựng và phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả; thường xuyên giới thiệu và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đều tăng qua các năm. Nếu năm 2014 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 39 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2017 tăng lên 46 triệu đồng/người/năm. Về tiêu chí tổ chức sản xuất, hiện xã có 1 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 6 câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Trong những năm qua, các tổ hợp tác, câu lạc bộ thực hiện tốt vai trò hạt nhân trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình chuyên canh cây ăn trái, lúa, rau màu chất lượng cao… Ông Trương Văn Thể, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, chia sẻ: “Tham gia câu lạc bộ, bà con thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trái vú sữa. Nhờ đó, chúng tôi hoàn toàn chủ động trong khâu kỹ thuật, đảm bảo sản lượng, năng suất và chất lượng trái theo đúng yêu cầu từ thương lái, doanh nghiệp”.

Cần trợ lực

Theo ông Phạm Minh Giúp, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư nâng chất các tiêu chí sau khi được công nhận xã nông thôn mới rất hạn chế. Điều này dẫn đến việc thực hiện nâng chất các tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn. Đối với các tiêu chí như nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm, văn hóa, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế… người dân có thể chung tay thực hiện nhưng các tiêu chí đòi hỏi vốn đầu tư lớn thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng thì cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Đơn cử như tiêu chí về giao thông, hiện nay một số tuyến đường được đầu tư nhiều năm trước đã xuống cấp và cần tiếp tục được nâng chất, cải tạo. Ở tiêu chí về thủy lợi, do triều cường dâng cao, mưa bão diễn biến thất thường, các hệ thống đê bao cần được đầu tư, nâng cấp (khoảng 15km) để tránh nguy cơ sạt lở và đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất của bà con…

Ông Trương Văn Thể, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, cho biết: “Bao năm gắn bó với cây vú sữa, mong mỏi của bà con là muốn được nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, việc tiêu thụ trái vú sữa đang gặp khó khăn do tuyến đường giao thông nông thôn hẹp lại xuống cấp. Doanh nghiệp muốn vào kết nối thu mua e ngại chi phí vận chuyển tăng cao. Do đó, chúng tôi kiến nghị Nhà nước mở rộng, nâng cấp tuyến giao thông nông thôn để tạo đầu ra thuận lợi cho trái vú sữa. Đồng thời, hỗ trợ bà con trong việc thực hiện hợp đồng bao tiêu, chẳng hạn như: sản xuất theo quy trình nào, bao trái ra sao… để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp từ đó thỏa thuận được mức giá thu mua hợp lý”.

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM huyện Phong Điền, bên cạnh một số hộ dân thực sự gặp khó khăn, nhiều trường hợp còn nhận thức chưa đầy đủ về XDNTM, chưa tự giác cùng cộng đồng xây dựng các công trình dân sinh, cải tạo cảnh quan môi trường… “Do đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền về XDNTM tiếp tục được tập trung theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Xã tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch nâng chất các tiêu chí; vận động đóng góp của người dân, mạnh thường quân để nâng cao chất lượng nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật cho người sản xuất mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận. Trong công tác giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo trên phương diện hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn, việc làm… để vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết