30/08/2023 - 06:16

Nâng tầm giá trị du lịch ẩm thực 

PHÚC NGUYÊN

Mặc dù được xem là loại hình du lịch chỉ mới xuất hiện và phát triển khoảng hơn một thập niên trở lại đây, du lịch ẩm thực nước ta đã nhanh chóng chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành du lịch thế giới. Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là một dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam.

Du khách tham quan Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2023 tại Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Du lịch ẩm thực còn được xem là một loại hình du lịch có thể tạo ra nhiều giá trị tích cực cho các bên liên quan như đóng góp vào việc nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho toàn bộ chuỗi giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh độc đáo cho điểm đến và nâng cao sự quan tâm, phát triển kinh tế của cộng đồng địa phương.

Du khách tăng chi tiêu

Theo ước tính của Tổ chức du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch của mình. Con số này có thể lên tới 35% ở những điểm đến đắt đỏ và thấp nhất là 15% ở những điểm đến có giá cả phải chăng hơn. Những du khách của du lịch ẩm thực cũng được xác nhận sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn so với mức trung bình 25% của khách du lịch thông thường.

Cũng theo WFTA, có đến 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu các giá trị ẩm thực địa phương một khi đặt chân đến một điểm đến mới. Cũng với tỷ lệ tương tự, phần đông du khách tin rằng khám phá ẩm thực địa phương là cách tốt nhất để hiểu được giá trị văn hóa bản địa. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đa số khách du lịch (82%) thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho ẩm thực khi đi du lịch so với khi họ ở nhà.

Tuy nhiên, khác với các loại hình du lịch truyền thống, du lịch ẩm thực tập trung vào các trải nghiệm ẩm thực có nguồn gốc địa phương thay vì tham quan đơn thuần. Theo WFTA, du khách có xu hướng tìm kiếm ở du lịch ẩm thực các trải nghiệm địa phương cho phép họ có thể nắm bắt được các câu chuyện văn hóa ẩm thực bản địa thông qua các hoạt động đề cao tính tương tác như các lớp học nấu ăn, các chương trình tour ẩm thực chuyên sâu (food tour), tham quan các chợ địa phương, tham quan các làng nghề, nghệ nhân ẩm thực và đặc biệt du khách mong muốn việc được giới thiệu những câu chuyện hay giá trị mang tính truyền thống địa phương đằng sau mỗi món ăn.

Kinh nghiệm từ các quốc gia hay điểm đến phát triển du lịch ẩm thực trên thế giới cho thấy, những món ăn ngon có thể làm du khách hài lòng về chất lượng dịch vụ của điểm đến. Nhưng một trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn có thể khiến du khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và lưu trú lâu hơn để tham gia vào các hoạt động trải nghiệm khám phá những câu chuyện ẩm thực tại điểm đến.

Việt Nam tăng tốc

Việt Nam sở hữu di sản văn hóa ẩm thực được hình thành qua hàng ngàn năm, đã làm say lòng rất nhiều du khách nước ngoài khi sang thăm nước ta. Hàng chục món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bún chả, hay bánh mì,… đã được các tổ chức trên thế giới, tạp chí ẩm thực, kênh truyền thông quốc tế uy tín vinh danh. Ẩm thực mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng riêng, đa dạng, hài hòa, tinh tế, dễ thưởng thức và chứa đựng tính nghệ thuật cao.

Ẩm thực Việt cũng đã chính thức được vinh danh trên bản đồ ẩm thực toàn cầu khi quyến rũ được hàng loạt đầu bếp hàng đầu đến với nước ta để trải nghiệm và từ đó tự nguyện bắc nhịp cầu lan tỏa những giá trị tinh hoa Việt vươn ra ngoài biên giới.

Thời gian qua, văn hóa ẩm thực đang được khai thác hiệu quả trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam, đặc biệt trong các chương trình du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa.

Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) vào năm 2019 và 2020 đã bình chọn Việt Nam là “điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Ðộc giả The Travel (Canada) xếp Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới. Ðầu năm 2023, tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) cũng xướng tên Việt Nam là “điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á”.

Ở Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh là đại diện cho ẩm thực 3 miền đất nước. Riêng tại TP Cần Thơ, ẩm thực đã trở thành một nét đặc trưng trong hành trình khám phá của nhiều du khách nội địa và quốc tế bởi nơi đây hội tụ đầy đủ nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú của người miền Tây hào sảng, thân thiện và mến khách.

Trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 được thông qua năm 2020, Chính phủ cũng đã đề ra giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó xác định cần tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam.

Trên tinh thần đó, hồi tháng 7-2023, Cục Du lịch quốc gia đã phối hợp với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược thúc đẩy du lịch - ẩm thực - văn hóa Việt Nam thông qua đề án: “Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt”. Ðây là chương trình nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, ẩm thực đa dạng của Việt Nam thông qua câu chuyện biến tấu nguyên liệu địa phương nấu triệu món ăn trên toàn quốc như một niềm tự hào quốc gia. Chương trình cũng khuyến khích du khách trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu văn hóa địa phương, góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực trở thành sản phẩm chiến lược của Việt Nam, từ đó xây dựng “bản đồ ẩm thực” đa dạng, tạo dựng cộng đồng ẩm thực địa phương tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Nâng tầm giá trị ẩm thực

Hiện nay, nhiều địa phương thường xuyên tổ chức các lễ hội ẩm thực, hay tuần lễ ẩm thực mang nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ẩm thực, khai thác xu hướng du lịch trải nghiệm ẩm thực của Việt Nam vẫn còn trong phạm vi hẹp, hầu như mới chỉ chủ yếu phục vụ người dân địa phương, rất ít thu hút du khách vãng lai hay khách quốc tế vào tham quan, thưởng thức.

Trong bối cảnh đó, TP Hồ Chí Minh được xem như một trong những thành phố tiên phong đưa ẩm thực Việt lên tầm cao mới và trở thành một sản phẩm du lịch mới, tiêu biểu. Với mục tiêu hướng đến phục vụ, giới thiệu nhiều đặc sản địa phương không chỉ đến người dân TP Hồ Chí Minh, mà còn du khách đến từ các vùng miền trong cả nước và du khách quốc tế, các chương trình như ngày hội du lịch, ngày hội ẩm thực, lễ hội ẩm thực hay tuần lễ ẩm thực đã được nối tiếp nhau diễn ra tại các khu vui chơi, các công viên, hay các trung tâm hội nghị. Ngoài ra, ẩm thực đường phố tại TP Hồ Chí Minh cũng được xem là một sản phẩm đặc trưng độc đáo.

Sự kiện đáng chú ý là đầu tháng 6-2023, cẩm nang ẩm thực danh giá toàn cầu Michelin Guide đã vinh danh 103 nhà hàng/quán ăn tại Việt Nam, trong đó có 4 nhà hàng được gắn sao Michelin danh giá, 70 nhà hàng/quán ăn được lựa chọn giới thiệu, 29 nhà hàng có giá phải chăng. Ngoài ra, Michelin Guide cũng công bố danh sách các nhà hàng và đầu bếp nổi bật của Việt Nam. Sự kiện được coi là cột mốc quan trọng trong việc ghi dấu ẩm thực và du lịch Việt trên bản đồ quốc tế. Hơn một thế kỷ tồn tại, Michelin Guide được ví như “cuốn kinh thánh của ẩm thực”, bởi nó chứa đựng những giá trị cốt lõi, để ẩm thực không dừng lại ở việc thưởng thức món ngon mà còn là một thú chơi công phu, một hành trình trải nghiệm khởi đầu bằng sự cầu kỳ, tinh tế, khắt khe, chuẩn mực và khép lại bằng sự mãn nguyện, hài lòng.

Sự hiện diện của Michelin Guide được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán lan tỏa của ẩm thực Việt, là cơ hội để ẩm thực Việt dần định hình những chuẩn mực mới, khắt khe, cầu kỳ và tinh tế hơn. Hành trình này bắt buộc ẩm thực Việt phải quay về với giá trị cốt lõi, đặt chất lượng là tôn chỉ hàng đầu.

Chia sẻ bài viết