26/03/2015 - 21:12

Nắng nóng: Nỗi lo của bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch

Theo dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, những ngày tới, nắng nóng sẽ kéo dài ở vùng Nam Bộ, cao điểm nhiệt độ sẽ trên 350C. Nắng nóng là nỗi lo của người bị suy giãn tĩnh mạch chân (chi dưới). Đây là căn bệnh mãn tính, khi nắng nóng người bệnh phải chống chịu với cơn đau nhức. Làm thế nào để tình trạng bệnh giữ mức ổn định?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nguyên nhân di truyền và yếu tố nghề nghiệp: người phải làm những công việc nặng nhọc, đứng hoặc ngồi trong tư thế nhất định thời gian dài như: thợ may, thợ uốn tóc, tài xế, công nhân, giáo viên, nhân viên văn phòng. Tỷ lệ bệnh ở nữ nhiều hơn nam. Ở TP Cần Thơ, các bệnh viện (BV): Đa khoa Trung ương Cần Thơ, ĐK TP Cần Thơ, Hoàn Mỹ Cửu Long đều có chuyên khoa về lồng ngực – mạch máu, thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch, như: đốt sống cao tầng, phẫu thuật bằng phương pháp stripping (ít để lại sẹo) cho bệnh nhân bị suy tĩnh mạch. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh suy giãn tĩnh mạch đang có xu hướng trẻ hóa (xuất hiện ở người dưới 40 tuổi), có 70% bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch đến bệnh viện khi cơ thể không chịu nỗi cơn đau nhức, chân nổi gân ngoằn ngoèo hoặc da ở bàn chân, cổ chân bị đen sạm (chết da) từng mảng. Nếu bệnh này được phát hiện sớm thì có thể điều trị bảo tồn; người bệnh vẫn sinh hoạt, lao động bình thường.

Người bị giãn tĩnh mạch nên ăn nhiều rau quả - Trong ảnh: Quầy rau quả của siêu thị Coop.Mart.

Trường hợp người bị suy giãn tĩnh mạch điều trị bệnh ở giai đoạn muộn có nguyên nhân quan trọng do bệnh diễn biến âm thầm, do bận rộn làm ăn nên có thói quen tự mua thuốc uống. Chị Phan Thanh Nguyệt (36 tuổi, thợ may) ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đang điều trị giãn tĩnh mạch độ 3 tại BVĐK TP Cần Thơ, cho biết: Hai năm trước, thấy mu bàn chân đột nhiên sưng to, tôi đi khám bệnh, bác sĩ nói tôi bị viêm cơ. Sau đó, mỗi lần sưng chân, tôi mua thuốc uống theo toa bác sĩ; đêm ngủ bị chuột rút thì thoa salonpas. Do bận việc làm ăn, tôi quên bẵng chăm sóc bản thân. Khi cổ chân có vài mảng da sạm to cỡ miệng chén mắt trâu, tôi nghĩ da mình bị chàm nên đến Bệnh viện Da liễu mua thuốc thoa. Đến lúc hai bắp chân tôi sưng to, không đi nổi, vào VĐK thành phố khám, bác sĩ thăm hỏi và la tôi xem thường bệnh tật". Chị Đoàn Thị Lan, Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh BVĐK TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1.000 đến 1.200 bệnh nhân khám ngoại trú. Khoảng 10% bệnh nhân có triệu chứng liên quan suy tĩnh mạch chi dưới (đau nặng chân hoặc sưng chân).

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân thường ngâm chân vào nước nóng hoặc dùng salonpas xoa bóp chân vì có thể giải quyết cơn đau nhức tức thời. Tuy nhiên, bệnh sẽ nặng hơn, do hệ thống mạch máu giãn nhanh hơn nếu tiếp xúc với nhiệt độ cao. Đối với bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nặng, nếu bệnh không thuyên giảm bằng điều trị nội khoa (dùng thuốc và mang vớ y khoa), có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật stripping. Năm 2010, BVĐK Trung ương Cần Thơ là đơn vị đầu tiên ở TP Cần Thơ triển khai kỹ thuật stripping, bình quân mỗi năm trên 100 người điều trị bằng phẫu thuật. Bác sĩ Trầm Công Chất, Trưởng đơn vị Phẫu thuật lồng ngực - mạch máu BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết: Phương pháp stripping là phẫu thuật không xâm lấn, chỉ cần gây tê, ít để lại sẹo. Đối với những bệnh nhân bệnh nặng, tránh biến chứng sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, dẫn đến nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong, bệnh viện mới chỉ định phẫu thuật".

Các bác sĩ chuyên lĩnh vực lồng ngực – mạch máu khuyến cáo, cần phòng tránh bệnh lý tĩnh mạch từ thời trẻ. Cụ thể, có chế độ ăn hợp lý với nhiều rau quả, trái cây, tăng cường vận động, chọn giày và quần áo thoải mái, không hút thuốc lá. Nhân viên văn phòng nên thỉnh thoảng đứng dậy đi lại trong giờ làm việc, không mang giày quá chật hoặc gót quá cao; khi về nhà nên đi chân trần giúp chân thoải mái, máu lưu thông dễ dàng. Suy giãn tĩnh mạch là bệnh mãn tính và tỷ lệ xuất hiện ngày càng nhiều, nên bệnh nhân cần chủ động phát hiện bệnh, dựa trên triệu chứng dễ nhận như: bàn chân sưng không mang được giày, có cơn đau châm chích ở bắp chân (đoạn gần cổ chân), tức nặng ở bắp chân lúc về chiều và đêm thường bị chuột rút. Da bị tê, có cảm giác như kiến bò. Đi khập khễnh cách hồi. Mao mạch đỏ li ti dưới khoeo chân. Búi tĩnh mạch nổi rõ ngoằn ngoèo, xuất huyết dưới da, viêm loét dưới da lâu lành, dễ nhiễm khuẩn. Cách phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ăn nhiều chất xơ. Còn đối với người có triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thì tuyệt đối không tắm bằng nước nóng.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết