30/04/2019 - 09:31

Nắng nóng, nguy cơ bệnh lý sỏi thận 

Sỏi thận nói riêng và sỏi đường tiết niệu nói chung là bệnh lý rất phổ biến. Theo các bác sĩ, thời tiết nắng nóng cũng là yếu tố nguy cơ gây sỏi. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Ðặng Ngọc Thuyết, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 121, cho biết:

Đa số sỏi đường tiết niệu hình thành ở thận, di trú theo dòng nước tiểu tạo ra sỏi ở nhiều vị trí khác nhau, tạo thành các bệnh lý: sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Trong đó, sỏi thận chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 40%).

Người bị sỏi thận có những biểu hiện gì, thưa bác sĩ?  

- Với sỏi thận chưa có biến chứng, thì rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm vì đa số không có triệu chứng, 95% trường hợp phát hiện sớm là qua siêu âm kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi thận có những dấu hiệu để phát hiện sớm như đau mạn sườn thắt lưng, đỉnh điểm là cơn đau quặn thận (đau từ vùng hố chậu lan xuống bẹn, bìu, bộ phận sinh dục ngoài).

Sỏi thận đã có biến chứng thì có thể có những biểu hiện như tiểu ra máu, tiểu ra sỏi nhỏ, tiểu ra mủ, tiểu buốt, gắt, toàn thân có sốt… Ở giai đoạn muộn hơn thì có biểu hiện của suy thận, thiểu niệu, vô niệu, thường có tăng huyết áp thường xuyên, kháng trị. Nếu sỏi thận kèm theo sỏi bàng quang thì có hiện tượng tiểu gắt, tiểu ngắt ngừng; nếu sỏi niệu đạo có thể có các biểu hiện khó tiểu, tiểu rỉ…

Sỏi thận có nguy hiểm không?

- Cây tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Khi bị sỏi thận, viên sỏi ngăn cản dòng lưu thông của nước tiểu, bị ứ niệu giật lùi, gây giãn đài bể thận, nếu không kịp thời điều trị, lâu dài, ép nhu mô thận, làm giảm chức năng thận, nặng hơn  dẫn đến suy thận.

Viên sỏi nằm trong đường niệu, có nguy cơ gây nhiễm trùng niệu rất cao, gây viêm đài - bể thận, viêm khe kẽ thận, mủ thận. Vi khuẩn từ đây sẽ tấn công vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng đường niệu. Đây là cấp cứu nội khoa rất nặng, nhất là sốc nhiễm trùng đường niệu, tỷ lệ tử vong rất cao.

 Khi bị sỏi thận, thường gặp viêm khe kẽ thận mạn tính, suy thận mãn tính, chức năng đào thải các chất độc qua đường tiểu giảm dần, bệnh nhân phải được điều trị thay thế thận như lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Bệnh lý sỏi thận được điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

- Điều trị sỏi thận bao gồm điều trị nội khoa và can thiệp ngoại khoa. Đối với điều trị nội khoa tống sỏi, chỉ áp dụng cho những viên sỏi có kích thước nhỏ dưới 7mm, nhẵn, thon,  chưa biến chứng, chức năng thận còn tốt…, bác sĩ sẽ dùng thuốc giãn cơ trơn đường niệu kết hợp với bệnh nhân vận động thể lực, truyền dịch (hoặc uống để tăng lượng nước tiểu) cộng với một số thuốc để làm mềm, tan rã sỏi.

Với điều trị can thiệp ngoại khoa lấy sỏi ra thì có điều trị ít xâm lấn và xâm lấn. Điều trị ít xâm lấn, có những phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản, lấy sỏi qua da, nội soi sau phúc mạc để lấy sỏi… Đối với điều trị xâm lấn là phẫu thuật mổ mở để lấy sỏi, chỉ định những trường hợp sỏi bể thận rất lớn, sỏi san hô, nhiều viên, có biến chứng, kèm theo dị dạng đường tiết niệu hoặc khi điều trị ít xâm lấn không thành công.

Hiện  nay, Bệnh viện Quân y 121 áp dụng những phương pháp nào điều trị sỏi thận?

- Về điều trị, Khoa Đông Y của bệnh viện có bào chế bài thuốc độc quyền “hoàn tán sỏi”, đã điều trị thành công rất nhiều bệnh nhân sỏi thận với kích thước viên sỏi dưới 1cm.

Về ngoại khoa ít xâm lấn, bệnh viện đã triển khai nội soi lấy sỏi và tán sỏi ngược dòng, nội soi sau phúc mạc, nội soi bóp sỏi bàng quang…Về điều trị xâm lấn, bệnh viện đã triển khai mổ lấy sỏi ở tất cả các vị trí của cây tiết niệu.

Dự phòng sỏi thận và dự phòng tái phát sỏi thận thế nào?

-  Nắng nóng là yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến mắc sỏi thận và sỏi thận tái phát. Tỷ lệ tái phát sỏi từ 50%-60%. Trong dự phòng, chúng ta cần hạn chế ăn mặn, mắm, ăn nội tạng động vật, thịt đỏ…, tăng cường ăn thịt trắng, rau, củ, quả, uống đủ nước (nhu cầu của cơ thể trưởng thành khoảng 40ml/kg thể trọng/ngày). Tuy nhiên, nếu lao động nặng, trời nắng nóng, thể dục thể thao thì có thể uống nhiều nước hơn; tăng cường thể dục thể thao, tránh lối sống tĩnh tại. Khi có những triệu chứng bất thường đường tiết niệu, cần điều trị ngay vì nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ cao gây sỏi. Cần bỏ thói quen nhịn tiểu, khi nhịn tiểu lâu, tạo điều kiện cho các chất bên trong kết tinh, có thể tạo thành sỏi. Định kỳ tầm soát và điều trị các nguyên nhân gây ứ niệu sớm.

Với bệnh nhân mắc sỏi có bản chất hữu cơ thì cần phải cố gắng làm kiềm hóa nước tiểu, tăng cường ăn rau trái họ đậu, cam, quýt, hạn chế thịt đỏ, nấm, súp lơ, uống bia, kiểm soát tốt axít uric máu đối với những người mắc rối loạn chuyển hóa base purin (tăng axít uric máu). Đối với người mắc sỏi vô cơ, cần axít hóa nước tiểu, nên ăn thực phẩm chứa nitrat, chất xơ không hòa tan như lúa mạch, gạo, chanh, dưa hấu, bưởi, táo, sữa… hạn chế  ăn tôm, cua, xương hầm và các chất ôxalát như rau dền, cần tây, đậu bắp, rau cải, rau muống, trà, cà phê… để dự phòng sỏi tái phát.    

Xin cảm ơn bác sĩ!

H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết