30/04/2023 - 19:31

Nâng niu đường kim, mũi chỉ  

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Với quan niệm chuyện hôn nhân là chuyện trọng đại của đời người, việc dựng vợ, gả chồng theo phong tục từng nơi, từng hoàn cảnh mỗi gia đình có những nét riêng. Trong đó, cặp gối cưới là một nét đẹp văn hóa, với ước mong chúc phúc cho đôi uyên ương, được nhiều gia đình gìn giữ. Vì lẽ đó, nghề thêu gối cưới rất thịnh hành. Hơn 12 năm gắn bó với nghề, chị Trần Thị Thu Lài, ngụ ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, đã “truyền lửa”, giới thiệu việc làm, giúp phụ nữ địa phương nâng cao thu nhập.

Chị Trần Thị Thu Lài, ngụ tại ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (bên trái) tất bật thêu gối cưới gia công. 

Ngày ngày, trong căn nhà nhỏ nhưng khang trang, chị Lài tỉ mỉ bên chiếc máy thêu. Chị Lài tâm sự: “Tôi biết đến nghề thêu hơn 12 năm nay. Dạo đó, tôi học nghề từ em chồng rồi thực hành thêu nhiều mẫu mã. Khi đã thạo nghề, tôi nhận thêu gia công cho các đầu mối kinh doanh gối cưới ở TP Long Xuyên (An Giang). Nhờ nghề này, tôi có điều kiện lo cho các con học hành đến nơi đến chốn”.

Với chị Lài, nghề thêu không chỉ mang đến nguồn kinh tế chủ lực cho gia đình mà còn là niềm vui, giúp chị thỏa sức sáng tạo. Chị Lài kể, khách hàng ít đưa ra những mẫu cụ thể mà chỉ yêu cầu chung về họa tiết, trang trí và tông màu chủ đạo. Theo đó, với sự khéo léo, chị phối màu, thêu họa tiết hài hòa, đẹp mắt. Chị Lài chia sẻ: “Gối cưới đẹp phải có bố cục, màu sắc hài hòa, đường chỉ mướt, mũi thêu sắc sảo. Ðiều này, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, tuyệt đối không làm qua loa, sơ sài”. Nhờ làm ra sản phẩm đẹp nên chị Lài không lo thiếu việc làm, mối lái đặt hàng thêu không xuể. Hiện nay, chị Lài chỉ nhận gia công cho 3 đầu mối. Cách 10 ngày, chị thêu và giao 100 cặp gối.

Nhận thấy nhu cầu thị trường gối cưới có đầu ra ổn định, hơn 10 năm nay, chị Lài đã dạy nghề và kết nối cho 32 chị em tại địa phương có việc làm, cải thiện thu nhập. Chi phí học nghề 4,5 triệu đồng và người học tự mua máy để làm nghề. Chị Lài cho biết: “Mỗi học viên chỉ cần học 1,5-2 tháng đã thạo nghề, người nào sáng dạ chỉ cần 7-10 ngày. Học viên được học hơn 15 mẫu căn bản, từ thêu chữ, hoa cánh tròn, hoa cánh vuông…”. Ðối với những mẫu thêu cầu kỳ như rồng phụng, hình cô dâu, chú rễ… chị Lài đều nhiệt tình hướng dẫn cho những học viên có nhu cầu nâng cao tay nghề.

Là người học nghề thêu từ chị Lài, chị Văng Thị Ngọc, ngụ ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, chia sẻ: “Nghề thêu gia công gối cưới tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì. Trong 1 tháng, tôi đã học thạo nghề và được “sư phụ” giới thiệu đầu mối. Với giá thêu gia công 25.000 đồng/cặp gối, trung bình mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 4 triệu đồng”.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Chị Lài là người dẫn dắt chị em địa phương học và làm nghề thêu. Nhận thấy đây là nghề nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ, tháng 3-2023, Hội LHPN xã đã thành lập Tổ hợp tác Thêu gia công tại ấp Vĩnh Phụng. Tổ hợp tác có 50 tổ viên, trong đó có 11 thành viên quản lý tổ là hội viên phụ nữ chi hội phụ nữ ấp Vĩnh Phụng. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được Hội hỗ trợ vay vốn, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm đẹp, chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện nay, với nghề thêu gia công, trung bình mỗi tháng, các chị có thu nhập 2,5-3 triệu đồng”. Hướng tới, Hội LHPN xã Vĩnh Trinh tăng cường hỗ trợ vốn vay, liên hệ các đầu mối để tạo thêm nhiều nguồn hàng gia công, giúp hội viên, lao động nữ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chia sẻ bài viết