15/11/2019 - 08:25

Năng lượng đồng bằng - nỗi lo và lối mở 

Những năm qua, Chính phủ đã cho phép đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện ở khu vực ĐBSCL. Đây là chủ trương lớn nhằm cung cấp điện cho nhu cầu ngày càng cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng đi cùng với những lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng là nỗi lo về ô nhiễm môi trường do xỉ than từ các nhà máy thải ra.

Lời giải nào cho bài toán năng lượng ở ĐBSCL?

Lắp đặt điện mặt trời áp mái tại Công ty Cổ phần Xây lắp điện Cần Thơ. Ảnh: N.H

Theo Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng điện năng ở nước ta đang tăng trưởng với tốc độ rất cao. Thế nhưng, những nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như than để sản xuất điện đang cạn kiệt dần. ĐBSCL đang trở thành một trung tâm năng lượng quốc gia, với tổng công suất phát điện dự kiến vào năm 2030 lên đến 18.224MW, gấp 7,6 lần nhà thủy điện Sơn La (có công suất lớn nhất Đông Nam Á). Để đảm bảo nguồn năng lượng theo quy hoạch điện 7 được điều chỉnh năm 2016, vùng ĐBSCL có 14 nhà máy điện than.

Nhưng ĐBSCL không phải là vùng nguyên liệu để chạy nhà máy nhiệt điện than. Ở Việt Nam than tập trung nhiều ở Quảng Ninh, nếu chuyên chở vào đây thì rất xa và tốn kém. Việc hình thành các trung tâm năng lượng mà chủ yếu là nhiệt điện than lại đang đặt ra những mối lo lớn làm “nóng đồng bằng”: đó là ô nhiễm nguồn nước, không khí và những tác động xấu từ tro, xỉ. Kết quả khảo sát 8 nhà máy nhiệt điện than trong cả nước của các chuyên gia, tất cả nguồn nước xung quanh đều bị ô nhiễm, nguyên nhân do ô nhiễm than.

Từ  năm 2015, Công   ty Nhiệt điện Duyên Hải đưa vào hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. Để hạn chế tro bay và xỉ than phát tán ra môi trường, công ty đã trồng nhiều cây xanh xung quanh bãi chứa; một hệ thống phun nước tự động cũng được lắp đặt. Hiện tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cũng đã ký hợp đồng bán tro, xỉ cho nhiều doanh nghiệp với số lượng rất nhiều. Để xử lý tro xỉ một cách hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452 phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Đây là một hướng mở để các nhà máy nhiệt điện giải phóng khối lượng tro, xỉ khổng lồ tại các bãi chứa.

Tuy nhiên, hiện tại người dân xung quanh Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải rất lo lắng về lượng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện thải ra một khối lượng tro xỉ khổng lồ. Nhưng nếu Nhà nước có sự quan tâm chặt chẽ về vấn đề sử dụng tro bay để làm vật liệu không nung thì cả nhà máy nhiệt điện thải ra khoảng 1 triệu tấn sẽ đủ cung cấp cho tỉnh Trà Vinh.

Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nóng ở nhiều quốc gia. Ngoài yếu tố khách quan, còn có sự tác động của con người. Chính vì thế chuyển sang nền kinh tế xanh đang là xu thế phát triển tất yếu. Và ngày nay, con người đã tự nhận thức và có những hành động cụ thể bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống.

Kỳ vọng năng lượng mặt trời

Khách hàng tìm hiểu pin năng lượng mặt trời tại Công ty Điện lực TP Cần Thơ. Ảnh: N.H

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điện mặt trời trên mái nhà chính là giải pháp hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh các dự án lớn, Tổng Công ty Điện lực miền Nam phối hợp với ngành công thương nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà tại 21 tỉnh phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty Điện lực TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Để phát triển năng lượng mặt trời thì việc tuyên truyền rất quan trọng để cho dân hiểu. Điện lực thành phố sẽ phối hợp với các đoàn thể UBND các cấp… trách nhiệm của điện lực là giải quyết nhanh các thủ tục để mọi người dân có thể đầu tư điện năng lượng mặt trời… 

Không chỉ có hộ gia đình, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Tại Công ty Điện lực Hậu Giang, với 3.000 tấm pin, hệ thống pin mặt trời của công ty này có công suất khoảng 900Kwh, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ, lượng điện thừa được đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia thông qua hợp đồng mua bán điện.

Ông Tạ Bình Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty nước AquaOne - Hậu Giang, cho biết: Hệ thống bơm chính của nhà máy đang tiêu thụ 1 lượng điện tương đối lớn, cho nên để ổn định sản xuất, tiết kiệm năng lượng và cũng là giải pháp để bảo vệ môi trường, tập đoàn đã quyết định đầu tư vào hệ thống này.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: Chúng ta cũng đã ban hành giá điện cố định để mua điện từ các nhà máy điện năng lượng mặt trời với giá điện rất hấp dẫn 9,35 cent. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời đã và đang có triển vọng lớn và là giải pháp hiệu quả về lâu dài về năng lượng. Thời gian tới, sự thiếu hụt nguồn năng lượng truyền thống phục vụ sản xuất điện của cả nước và ĐBSCL nói riêng hoàn toàn có thể được bù đắp khi Nhà nước tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách thông thoáng hơn.

Theo ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, trong khi nhiệt điện than đang cạn kiệt và ô nhiễm, điện hạt nhân có những nguy cơ mất an toàn, thủy điện còn nhiều bất cập, thì điện mặt trời rất quý giá. Tôi nghĩ tiềm năng điện mặt trời ở ĐBSCL phát triển rất tốt vì bức xạ mặt trời ở ĐBSCL rất cao, khoảng 5KWh/m2/ngày. Đến nay Nhà máy điện Mặt trời Sao Mai Solar PV1 tọa lạc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có tổng vốn dầu tư lên đến gần 6.000 tỉ đồng, tổng công suất phát điện 210MWp, trải dài trên diện tích 275ha. Hiện mỗi ngày chúng tôi thu khoảng 1,3 tỉ đồng tiền điện bán lên lưới điện quốc gia. Nỗ lực này của Tập đoàn Sao Mai đang từng bước giảm bớt áp lực cho ngành điện cả nước và ĐBSCL trước nhu cầu sử dụng điện đang gia tăng ở mức cao như hiện nay.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng điện tăng trung bình 11% mỗi năm, giai đoạn từ năm 2011-2015. Từ nay đến năm 2020, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng khoảng 8%. Và để đáp ứng sản lượng tăng này, ngành điện cần khoản đầu tư rất lớn, lên đến 12,8 tỉ USD. Trong đó, 11 tỉ USD cho sản xuất điện và 1,8 tỉ USD cho truyền tải và phân phối điện. Và lúc này, nguồn năng lượng mặt trời áp mái được kỳ vọng sẽ từng bước giải tỏa áp lực về nhu cầu sử dụng điện năng.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, nói,  khoa học đã chứng minh rằng năng lượng tái tạo chúng ta có thể tự túc hoàn toàn vào năn 2030-2050 nếu có đầu tư và cộng thêm một chính sách thỏa đáng. Nguồn năng lượng tái tạo này chính là một trong những giải pháp để cho đồng bằng này phát triển bền vững. Không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hạn chế những tác động xấu đến môi trường, các dự án điện mặt trời lớn ở ĐBSCL được triển khai thời gian qua còn được xem là cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Huy Hiếu - Chí Thành

Chia sẻ bài viết