07/06/2024 - 11:26

Năng động khởi nghiệp 

Đầu năm 2020, anh Lê Văn Hoài Thương ở khu vực Phú Thuận, phường Tân Phú, quận Cái Răng quyết định đi học nghề đan thủ công mỹ nghệ từ dây nhựa ở tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, anh Thương mở cơ sở đan dây nhựa có 15 lao động...

Anh Hoài Thương đan đồ thủ công mỹ nghệ từ dây nhựa.

Từ 8 giờ sáng, anh Hoài Thương đã cặm cụi đan các sản phẩm để kịp giao cho khách hàng. Mỗi tháng, cơ sở của anh Hoài Thương cung cấp trên 1.000 sản phẩm là chậu, rổ, khay, bàn, ghế… làm từ dây nhựa. Anh Thương kể: “Lúc trước, tôi làm nhân viên phục vụ quán ăn. Trong một lần qua nhà bạn ở tỉnh Đồng Tháp chơi, tôi thấy nghề đan dây nhựa thú vị nên xin học nghề. Sau đó, tôi liên hệ đại lý xin nhận vật liệu về đan đồ mỹ nghệ tại nhà”. Anh Hoài Thương vừa làm, vừa học, vài tháng sau, tay nghề nâng lên. Các sản phẩm do anh đan bền, đẹp nên đại lý tin tưởng, giao nhiều hàng để anh gia công. Anh Thương cũng hỗ trợ nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở khu vực học nghề đan và nhận làm việc.

Giữa năm 2021, anh Hoài Thương quyết định mở cơ sở đan đồ thủ công mỹ nghệ. Từ chỗ gia công cho đại lý, anh Hoài Thương liên hệ trực tiếp với công ty để nhận nguyên liệu nhằm tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Anh Thương giới thiệu mô hình trên mạng xã hội để người dân, ĐVTN trong phường biết. Hiện nay, anh Hoài Thương nhận đan đồ thủ công mỹ nghệ từ dây nhựa với tiền công từ 7.000-55.000 đồng/sản phẩm. Cơ sở của anh Thương có 15 lao động thời vụ, với thu nhập từ 1-3 triệu đồng/người/tháng.

Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn thành phố, cơ sở của anh Hoài Thương gặp nhiều khó khăn vì đơn hàng không có. Tranh thủ thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, anh Hoài Thương bắt đầu nghề trồng hoa, ghép cây giống… Đến nay, cơ sở của anh Thương cung cấp nhiều loại hoa kiểng, cây ăn trái cho các cửa hàng và các đơn vị. Để có thêm kiến thức nghề làm vườn, anh Thương vừa tìm hiểu trên mạng, vừa học từ các lão nông ở trong quận. Hiện nay, thu nhập của anh Thương đạt mức 15-20 triệu đồng/tháng từ các mô hình kinh tế. “Tôi đang kết nối với nhiều đơn vị để nhân rộng mô hình đan dây nhựa, tạo việc làm thêm cho hội viên phụ nữ, ĐVTN. Đồng thời, tập trung phát triển mô hình trồng hoa giấy vì đây là loại cây thị trường đang ưa chuộng” - anh Hoài Thương cho biết.

Theo chị Bùi Phương Loan, Bí thư Đoàn phường Tân Phú, hiện nay, anh Hoài Thương là Khu vực trưởng Quân sự khu vực Phú Thuận và là cán bộ Đoàn, Hội ở phường Tân Phú. Anh Hoài Thương luôn tích cực tham gia vận động, tổ chức thăm tặng quà gia đình chính sách, gia đình thanh niên tại ngũ, thanh niên yếu thế, chậm tiến nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm; vận động ĐVTN tham gia tuyên truyền về bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh… Ban Chấp hành Đoàn phường Tân Phú đã hỗ trợ anh Hoài Thương vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển mô hình, giới thiệu mô hình khởi nghiệp đến ĐVTN trong phường. Thời gian tới, Đoàn phường đề xuất Quận đoàn phối hợp mở lớp dạy nghề đan dây nhựa cho ĐVTN trên địa bàn quận Cái Răng để nhân rộng mô hình ở các phường.

Bài, ảnh: CHUNG CƯỜNG

Chia sẻ bài viết