Quận đoàn Bình Thủy luôn đồng hành cùng với đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) thực hiện phong trào khởi nghiệp. Qua đó, nhiều ÐVTN trên địa bàn quận đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế, có thu nhập ổn định.
Anh Phan Hữu Thắng có thu nhập ổn định với mô hình trồng nhãn Ido.
Anh Nguyễn Kim Trọng ở khu vực 1, phường Trà Nóc, là thanh niên tiêu biểu của quận Bình Thủy khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi ong lấy mật. Tháng 10-2024, Nguyễn Kim Trọng đoạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ.
Có được thành công đó, anh Trọng không quên những ngày đầu khởi nghiệp với mô hình nuôi ong lấy mật. Năm 2021, thông qua mạng Internet, anh Trọng tìm hiểu mô hình nuôi ong lấy mật và đặt mua 1 thùng ong Ý, trị giá 1,7 triệu đồng, từ một chủ vườn ở tỉnh Sóc Trăng về nuôi. Với 1 thùng ong ban đầu, sau vài tháng nuôi, anh Trọng thu được khoảng 5 lít mật/tháng. Nhận thấy nuôi ong mật hiệu quả, anh Trọng tiếp tục đầu tư thêm 4 thùng ong về nuôi để nâng cao thu nhập.
Anh Trọng cho biết: “Nuôi ong không mất nhiều thời gian chăm sóc và có thể tận dụng không gian nuôi ở những bóng râm trong vườn. Năm 2022, với 5 thùng ong, tôi thu hoạch được khoảng 90 lít mật và bán với giá 300.000 đồng/lít”. Năm 2023, anh Trọng đã mạnh dạn tách nuôi với số lượng lên đến 250 thùng ong. Ðể duy trì thu nhập hàng tháng, anh Trọng di chuyển các thùng ong đến nhiều tỉnh, thành để ong lấy mật tự nhiên từ hoa tràm, mận, chôm chôm, cà phê, nhãn, cao su…
Cứ xoay vòng hàng tháng, mùa nào là anh Trọng thu hoạch mật hoa đó. Với số lượng 250 thùng ong, anh Trọng thu khoảng 2.000 lít mật/tháng. Ðối với những tháng mưa, không có hoa, anh Trọng cho ong ăn thêm đường để giúp đàn ong duy trì và phát triển số lượng. Năm 2023, Trọng cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Ong Nhà Trọng. Theo kế hoạch, anh Trọng đang tiếp tục nghiên cứu cho ra sản phẩm phấn hoa cà phê và phấn hoa lúa từ những chú ong thợ mang về. Theo anh Trọng, đây là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người, đồng thời còn là nguyên liệu dược - mỹ phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp.
Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Nguyễn Kim Trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ðến Cồn Sơn, khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, hỏi thăm anh Phan Hữu Thắng, người dân đều biết vì anh nổi tiếng với mô hình trồng nhãn Ido kết hợp làm du lịch. Với diện tích 8 công nhãn Ido, anh Thắng mang về thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Anh Thắng cho biết anh đốn bỏ vườn chôm chôm già cỗi vào năm 2016 để trồng nhãn Ido. Ðến nay, vườn nhãn 8 năm tuổi của anh đang xanh tốt, cho trái ổn định khoảng 10 tấn/năm.
Anh Thắng chia sẻ: “Trồng nhãn Ido không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Do nhãn Ido có ưu điểm hạt nhỏ, vỏ mỏng, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình 1kg nhãn bán cho thương lái từ 20.000-30.000 đồng”. Từ năm 2018 đến nay, anh Thắng còn phát triển thêm mô hình làm vườn kết hợp với du lịch sinh thái. Theo đó, cứ đến thời điểm thu hoạch nhãn, anh Thắng mở cửa đón khách tham quan, ăn nhãn tại vườn, với chi phí 30.000 đồng/lượt khách. Ngoài phục vụ nhu cầu tham quan vườn nhãn, anh Thắng còn phục vụ thêm dịch vụ ăn uống cho du khách...
Ðể phong trào thanh niên khởi nghiệp hiệu quả, thời gian qua, Quận đoàn Bình Thủy phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quận tạo điều kiện cho các ÐVTN vay vốn để phát triển sản xuất. Ngoài ra, các cơ sở Ðoàn cũng tăng cường hỗ trợ công tác quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, qua đó giúp thanh niên địa phương sản xuất, kinh doanh hiệu quả, gia tăng thu nhập.
Bài, ảnh: T.T