19/05/2013 - 20:06

Nâng chuỗi giá trị hạt gạo từ “Cánh đồng lớn”

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, mô hình "Cánh đồng lớn" (CĐL) triển khai tại huyện Vĩnh Thạnh thời gian qua không chỉ đáp ứng yêu cầu hình thành những cánh đồng lúa chất lượng cao, quy mô lớn phục vụ xuất khẩu mà còn giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. CĐL ở huyện Vĩnh Thạnh giờ tiến thêm bước cao hơn là khuyến khích nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP trong quá trình sản xuất lúa để góp phần nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo…

Đồng thuận cao

Mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình CĐL trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh thu hút đông đảo nông dân tham gia. Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên CĐL của xã Thạnh Lợi. 

Vụ hè thu 2011, mô hình CĐL triển khai thí điểm đầu tiên ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An có quy mô 400ha. Đến năm 2012, CĐL nhân rộng thêm 200ha ở ấp D2, xã Thạnh Lợi và bước đầu hình thành CĐL ấp C1, xã Thạnh Thắng khoảng 300ha. Năm 2013, Vĩnh Thạnh đặt mục tiêu phấn đấu mỗi xã có 1 CĐL, tổng diện tích các CĐL trên 2.630ha. Song, ngay vụ lúa đông xuân 2012-2013, huyện đã có 15 mô hình CĐL, diện tích trên 3.280ha. Từ thực tế cho thấy, sự thành công trong mối liên kết "4 nhà" được phát huy ở CĐL, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Vụ đông xuân vừa qua, CĐL có sự tham gia của 10 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Mekong, Công ty TNHH Trung An, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Điền Vạn Lợi…

Hiệu quả kinh tế CĐL mang lại là động lực để củng cố, tạo dựng niềm tin và khuyến khích nông dân tham gia mô hình. Đây là mấu chốt quan trọng hỗ trợ cho tiến trình công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ đông xuân 2012-2013, năng suất lúa tại các CĐL bình quân đạt 7,57 tấn/ha. Giá thu mua của doanh nghiệp cao hơn thị trường từ 50-250 đồng/kg lúa, nông dân trong CĐL lời cao hơn 2-3 triệu đồng/ha so với nông dân sản xuất ngoài mô hình. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khiết Tâm, ấp D2, xã Thạnh Lợi, cho biết: "Sau khi tham gia mô hình, nông dân trong Tổ hợp tác mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống từ OM 2517 sang canh tác giống Jasmine 85. Tham gia vào CĐL nông dân còn được tập huấn, đào tạo cách thức nhân giống, từng bước tiến tới xã hội hóa công tác nhân giống, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa phẩm chất kém sang các giống chất lượng cao".

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, mô hình CĐL là phương thức sản xuất mới, có nhiều thành phần tham gia nên đòi hỏi sự đồng thuận cao của "4 nhà" tham gia mô hình. Trước khi triển khai mô hình, Ban Quản lý các xã đã họp dân tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và yêu cầu khi tham gia mô hình, triển khai điều khoản hợp đồng (hợp đồng cung ứng phân bón, giống, bao tiêu lúa) với doanh nghiệp... Nhờ đó, nông dân thông suốt, thể hiện tính đồng thuận cao và tự nguyện đăng ký tham gia mô hình. CĐL trên địa bàn huyện được xây dựng trên nền tảng hoạt động của các Tổ hợp tác, nên việc tổ chức nông dân liên kết lại trao đổi kỹ thuật, quản lý đồng ruộng theo hướng an toàn sinh học, ghi chép nhật ký đồng ruộng cũng thực hiện thuận lợi.

Bước chuyển về chất

Trong 3 năm qua, mô hình CĐL ở TP Cần Thơ nói chung và Vĩnh Thạnh nói riêng đã đạt được nhưng kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này mới dừng lại ở việc ứng dụng đồng bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng mà chưa chú trọng bồi dưỡng, tập huấn năng lực quản lý cho nông dân. "Quá trình thực hiện mô hình, Vĩnh Thạnh xác định CĐL là tiền đề tiến củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, tiến tới sản xuất lúa quy mô lớn theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP. Đây là giải pháp tối ưu đưa mô hình phát triển toàn diện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sản xuất lúa theo GAP không chỉ nâng cao chất lượng đầu ra mà còn bảo đảm an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm"-ông Đoàn Đức Trường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh cho biết.

Vụ lúa đông xuân 2011-2012, Vĩnh Thạnh có 63ha ở ấp Thầy Ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 50ha theo Global GAP ở ấp D2. Đến vụ đông xuân 2012-2013, ngoài việc duy trì "Cánh đồng VietGAP" ở ấp Thầy Ký, "Cánh đồng Global GAP" được nâng quy mô lên 100ha. Song song với việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, để nâng chất mô hình, Vĩnh Thạnh xác định tiếp tục thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Từ nguồn ngân sách thành phố và sự hỗ trợ của Viện Lúa quốc tế (IRRI), vụ hè thu 2013, CĐL 32 ha ở ấp Thầy Ký và 5 ha tại ấp D2 được ứng dụng kỹ thuật san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, nói: "Ứng dụng kỹ thuật san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, mặt ruộng gần như bằng phẳng, chúng tôi có thể chủ động kiểm soát mực nước, thuận lợi cho việc sử dụng máy sạ hàng, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ dại, ốc bươu vàng và hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Áp dụng phương pháp này, năng suất lúa dự kiến tăng 0,5 tấn/ha so với phương pháp làm đất truyền thống"...

Theo kế hoạch, những năm tới, Vĩnh Thạnh sẽ mở rộng CĐL khoảng 10.900ha tại các xã: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Vĩnh Bình, Thạnh Mỹ và Thạnh Lộc. Tuy nhiên, để doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng diện tích bao tiêu, địa phương rất cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng, kho bãi, lò sấy... Ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: Liên kết sản xuất theo mô hình CĐL là con đường duy nhất để từng bước nâng cao giá trị hạt gạo, tăng lợi thế cạnh tranh cho địa phương. Nếu mô hình CĐL được thực hiện bài bản và đúng quy trình, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao. Thời gian tới, ngoài việc nhân rộng mô hình, Vĩnh Thạnh sẽ chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Tổ chức rút kinh nghiệm mô hình qua từng vụ lúa để từng bước hoàn thiện nội dung và phương pháp tổ chức, đưa mô hình CĐL phát triển lên tầm cao mới.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết