Phong Điền là huyện đầu tiên tiên của TP Cần Thơ có 100% số xã đạt chuẩn và được công nhận là huyện nông thôn mới vào năm 2015. Song, theo ngành chức năng huyện, kết quả chỉ là bước khởi đầu. Phong Điền vẫn tiếp tục hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí nhằm đưa xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của huyện đi vào chiều sâu và phát triển bền vững hơn.
Đồng lòng
|
Nông dân xã Nhơn Ái nhân giống dâu Hạ Châu. |
Năm 2016, huyện Phong Điền chọn chủ đề: "Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng chất lượng huyện nông thôn mới" để huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Năm 2017, Phong Điền tiếp tục tập trung nâng chất các tiêu chí liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh (giao thông, thủy lợi, điện, trường học...); đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân (thu nhập, đào tạo nghề, hình thức tổ chức sản xuất); phát triển giáo dục, văn hóa, y tế; môi trường nông thôn...
Ông Phạm Minh Giúp, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, cho biết: Những năm qua, xã luôn xác định tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay XDNTM là khâu then chốt trong việc hoàn thành cũng như nâng chất các tiêu chí về nông thôn mới. Chính vì vậy, hằng năm, các ban ngành đoàn thể xã vận động, tuyên truyền cùng người dân chung tay XDNTM qua các mô hình dân vận khéo, như: làm đường giao thông nông thôn, đê bao khép kín. Nhờ cách làm này, năm 2016, xã đã xây mới trên 6km đường giao thông nông thôn, mặt đường rộng 3m. Trong đó, kinh phí do mạnh thường quân đóng góp khoảng 2 tỉ đồng, nhân dân đóng góp hơn 4.200 ngày công lao động. Ngoài ra, phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được thể hiện rõ qua việc cùng gia cố đê bao, các đoạn có nguy cơ sạt lở, bảo vệ vườn cây ăn trái.
Theo ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch phân công cụ thể từng thành viên, từng ngành có liên quan rà soát lại các tiêu chí cần nâng chất để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao hơn. Việc nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới được thực hiện theo phương châm: dựa vào nội lực cộng đồng là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia, đảm bảo nguyên tắc "Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng". Nhờ đó, các tiêu chí của xã đều được duy trì và nâng chất đồng bộ.
Tại xã Nhơn Ái, ngoài các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế... chính quyền địa phương còn cùng người dân thực hiện tuyến cảnh quan môi trường "sáng, xanh, sạch và an toàn"; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch; xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt...
Nâng chất toàn diện
Quá trình hoàn thành, nâng chất các tiêu chí của huyện Phong Điền thời gian qua được đánh giá là đúng hướng. Sự ra đời Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đưa công cuộc XDNTM của huyện đi vào chiều sâu. Song cũng đặt ra thách thức không nhỏ bởi yêu cầu của từng tiêu chí cao hơn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XDNTM bằng những việc làm cụ thể gắn với từng tiêu chí cụ thể. Điển hình như: cùng tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh-sạch-an toàn; làm giao thông nông thôn, thủy lợi; xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến... Ngoài ra, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là vận động nhân dân đóng góp để củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt được.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, thời gian qua, kinh phí XDNTM tập trung cho các tiêu chí giao thông, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế
Việc nâng chất các tiêu chí này góp phần giải quyết yêu cầu bức xúc trong đời sống và thực tế sản xuất nên được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu, đóng góp kinh phí làm đường giao thông, thủy lợi... Ngoài ra, Nhơn Ái tập trung phát triển sản xuất thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái; mô hình "Câu lạc bộ sản xuất 150 triệu"; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Ông Trần Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: "Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã thực hiện rà soát, lên kế hoạch củng cố kịp thời đối với từng tiêu chí. Đặc biệt là các tiêu chí giao thông, thủy lợi, môi trường, điện, cơ sở vật chất văn hóa... Bởi tuy đã đạt so với quy định nhưng tỷ lệ chưa cao và dễ bị "tuột" nếu không được quan tâm đúng mức".
Ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, cho biết: "Huyện chỉ đạo hằng năm mỗi xã đưa ra kế hoạch, lộ trình nâng chất cụ thể cho từng tiêu chí. Chẳng hạn như tiêu chí nào sẽ hoàn thành, tiêu chí nào sẽ được nâng chất; kế hoạch thực hiện, nâng chất ra sao... Ngoài ra, các xã đặc biệt quan tâm công tác tổ chức lại sản xuất. Bởi khi sản xuất phát triển, người dân có thu nhập thì mới có thể vận động cùng chung tay góp công, góp sức cho XDNTM. Về phía huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát XDNTM để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh cho từng trường hợp cụ thể ở mỗi xã".
Theo Dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Phong Điền, huyện phấn đấu 100% xã tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; đạt tiêu chuẩn nông thôn mới cao hơn, bền vững hơn theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó, lộ trình phấn đấu đến năm 2019 có 2/6 xã và đến năm 2020 các xã còn lại đều giữ vững và đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. |
Bài, ảnh: MỸ THANH