27/04/2010 - 21:39

Thụ tinh trong ống nghiệm

Nâng cao tỷ lệ sinh con ở các cặp vợ chồng hiếm muộn

* Bác sĩ TRẦN VIỆT QUANG
(Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ)

Sau 10 năm triển khai điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã giúp 362 cặp vợ chồng hiếm muộn sinh con. Hôm nay, ngày 28-4-2010, bệnh viện tiếp tục triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Kỹ thuật này sẽ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn do tắc vòi trứng, tinh trùng yếu nặng, vô tinh, vô sinh chưa rõ nguyên nhân... có thêm cơ hội được làm cha, làm mẹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn: hiếm muộn do bên vợ thường gặp là rối loạn phóng noãn, viêm nhiễm gây tắc vòi trứng, các bất thường ở tử cung. Hiếm muộn bên chồng thường do tinh trùng yếu, vô tinh. Ngoài ra, còn có những cặp vợ chồng vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Giải pháp giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội sinh con là thụ tinh nhân tạo với phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp nào, thực hiện kỹ thuật gì để hỗ trợ bệnh nhân sinh sản.

 Kỹ thuật viên đang chuẩn bị tiến hành thụ tinh nhân tạo. Ảnh: K.LOAN

Phòng khám Hiếm muộn trực thuộc Khoa Phụ sản của bệnh viện, được thành lập từ tháng 1-2001 (lúc đó phòng khám trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cũ). Đến nay, phòng khám đã tiếp nhận khám trên 3.000 cặp vợ chồng hiếm muộn ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, trong đó, có 1.952 cặp vợ chồng được theo dõi, điều trị. Qua đó, có 362 cặp vợ chồng có thai, sinh con khỏe mạnh, đạt tỷ lệ hơn 18%. Tỷ lệ này tương đương với các trung tâm khác trong cả nước. Phương pháp được áp dụng thời gian qua là bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Phương pháp này được chỉ định cho các cặp vợ chồng hiếm muộn do yếu tinh trùng (dạng nhẹ) hoặc bất thường ở nút nhầy tử cung. Đa số những trường hợp hiếm muộn đã được điều trị tại đây đều do tinh trùng yếu.

Phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung chỉ giải quyết được một số ít nguyên nhân gây hiếm muộn. Phải triển khai thêm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì lĩnh vực thụ tinh nhân tạo mới được đầy đủ hơn.

Thụ tinh trong ống nghiệm sẽ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn do tinh trùng yếu nặng, vô tinh, tắc vòi trứng, lớn tuổi, vô sinh chưa rõ nguyên nhân, bơm tinh trùng thất bại nhiều lần... có cơ hội sinh con.

Tại Việt Nam, thụ tinh trong ống nghiệm đã được triển khai tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) từ năm 1997. Y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã được học tập các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị mà đến nay bệnh viện mới có thể triển khai thụ tinh trong ống nghiệm. Có thể nói thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai đã đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động hỗ trợ sinh sản của bệnh viện. Y, bác sĩ của khoa sẽ tiếp tục học tập, cập nhật những kỹ thuật mới để hoạt động hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện ngày càng phát triển, góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công trong điều trị hiếm muộn.

Thụ tinh trong ống nghiệm đã được y học chứng minh là phương pháp an toàn cho bệnh nhân. Tỷ lệ dị tật ở thai nhi thụ tinh trong ống nghiệm cũng tương đương với thai nhi bình thường. Các công đoạn thụ tinh trong ống nghiệm gồm: kích thích buồng trứng ở vợ, chọc hút trứng, chuẩn bị tinh trùng chồng, cấy tinh trùng và trứng trong môi trường nhân tạo để hình thành phôi, chuyển phôi vào buồng tử cung vợ.

Công đoạn chọc hút trứng có thể làm rụng cùng lúc nhiều trứng nên thụ tinh trong ống nghiệm thường xảy ra trường hợp đa thai. Thai phụ mang đa thai sẽ có nguy cơ sinh non, thai nhi nhẹ cân... Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đa thai không còn đáng lo ngại vì bác sĩ điều trị có thể kiểm soát được số lượng phôi thai. Thai phụ thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được quản lý, kiểm tra thai kỳ hàng tháng nhờ đó sẽ kiểm soát được số lượng thai, sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Đối với trường hợp đa thai, bác sĩ có thể chọn lựa và hủy một số thai yếu và để lại số thai cần thiết (thường 1 đến 2 thai) và việc hủy thai được thực hiện khá an toàn. Những thai phụ có nguy cơ sinh non dự đoán trong giai đoạn 24 - 34 tuần sẽ được điều trị hỗ trợ để giúp phổi của thai nhi trưởng thành hơn nhằm phòng tránh bệnh lý màng trong (hội chứng suy hô hấp thường xảy ra ở trẻ sinh non, có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề) khi thai nhi chào đời.

Về căn bản, việc ăn uống, sinh hoạt, lao động của tất cả các thai phụ đều như nhau. Tuy nhiên, những thai phụ thụ tinh trong ống nghiệm sẽ có tâm lý nặng nề, lo lắng hơn thai phụ bình thường. Chính yếu tố tâm lý này tác động rất lớn đến thai nhi. Vì vậy, trong quá trình điều trị, bác sĩ rất chú trọng đến hoạt động tư vấn cho thai phụ, giúp thai phụ giảm bớt áp lực về mặt tâm lý. Bác sĩ điều trị cũng thường khuyên các thai phụ thụ tinh trong ống nghiệm sinh hoạt nhẹ nhàng, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, khám thai định kỳ.

Qua 10 năm điều trị hiếm muộn, chúng tôi ghi nhận một tỷ lệ khá cao những trường hợp hiếm muộn đến điều trị tại bệnh viện bắt nguồn từ nguyên nhân nạo hút thai, gây viêm nhiễm tắc vòi trứng. Điều này cho thấy kiến thức về sức khỏe sinh sản ở nam nữ thanh niên trong độ tuổi sinh sản chưa cao. Để tránh lâm vào tình trạng hiếm muộn, thậm chí có thể vô sinh vĩnh viễn, nam nữ thanh niên nên trang bị kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản trước khi lập gia đình. Riêng các cặp vợ chồng cưới nhau hơn 1 năm vẫn chưa có con mà không sử dụng biện pháp tránh thai nào thì nên đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Phôi được chuyển vào buồng tử cung đã được đánh giá và chọn lọc, nhưng vẫn có một số trường hợp không đạt kết quả như mong muốn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân do màng Zona Pelucida dày gây ảnh hưởng lên quá trình làm tổ của phôi. Tại khoa khám của bệnh viện đã có khả năng thực hiện kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng trước khi chuyển phôi. Với kỹ thuật này, tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tăng lên đáng kể.

Chia sẻ bài viết