21/11/2014 - 08:06

Nâng cao năng lực phụ nữ để hội nhập

Trong quá trình hội nhập và phát triển, TP Cần Thơ đã tiếp nhận nhiều sự hợp tác, hỗ trợ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội…của nhiều nước trên thế giới. Năm 2011, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF) đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam, thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ, triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ xây dựng Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam tại TP Cần Thơ (gọi tắt là Dự án). 4 năm qua (2011-2014), trong khuôn khổ hoạt động dự án, nhiều phụ nữ trong thành phố được trang bị nhiều kiến thức bổ ích và có những trải nghiệm cần thiết, hướng đến mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động – việc làm…

Tiếp cận và thụ hưởng

Trước khi Dự án được triển khai, việc đàm phán được các bên tiến hành, vừa đảm bảo yêu cầu của phía Hàn Quốc, vừa đáp ứng tình hình thực tế ở Việt Nam. Năm 2011, trên cơ sở thống nhất giữa các bên, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ đã triển khai 7 hoạt động gồm: mô hình Job-Café (cà phê việc làm); nâng cao năng lực Call – center (tư vấn qua tổng đài điện thoại); dạy tiếng Hàn và giới thiệu pháp luật, văn hóa của Việt Nam và Hàn Quốc cho lao động nữ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc; phòng trông giữ trẻ; tập huấn kỹ năng tư vấn và điều hành; trao đổi nhân viên và khảo sát nhu cầu học nghề và tìm việc làm của lao động nữ. Năm 2012, Trung tâm tiếp tục duy trì hoạt động của Job-Café, Call-center, phòng trông giữ trẻ và mở rộng thêm một số hoạt động như: bồi dưỡng kỹ năng dạy tiếng Hàn và giới thiệu văn hóa của Hàn Quốc cho các giảng viên dạy tiếng Hàn của các trung tâm giới thiệu việc làm; dạy tiếng Hàn và giới thiệu văn hóa Hàn Quốc cho phụ nữ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc; hỗ trợ quản lý dành cho những phụ nữ có nhu cầu hành nghề buôn bán nhỏ; dạy nghề kỹ thuật chăm sóc móng; chương trình tư vấn nhóm; ngày hội việc làm phụ nữ với các hoạt động: tư vấn nghề nghiệp, kiểm tra tính cách qua quét dấu vân tay…

Với không gian tư vấn mới lạ, mô hình Job-Café thu hút nhiều phụ nữ tham gia, trình bày vướng mắc hay tâm tư, nguyện vọng về nghề nghiệp, việc làm. Không khí các lớp dạy tiếng Hàn và giới thiệu văn hóa Hàn Quốc rất vui tươi, lý thú... thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa học viên Việt Nam với các giảng viên Hàn Quốc.

Giờ thực hành của học viên lớp nghề chăm sóc móng, trong khuôn khổ Dự án do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tài trợ.

220 phụ nữ các xã, thị trấn trong thành phố tham gia lớp các tập huấn nghề buôn bán nhỏ và nâng cao năng lực kinh tế, do các giảng viên Việt Nam và chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn, đều tỏ ra say mê, thích thú. Điều này thể hiện qua tinh thần tích cực học tập, nhiệt tình phát biểu, trao đổi với các chuyên gia (thông qua phiên dịch viên) về: kỹ năng giao tiếp, kinh doanh; kỹ thuật trồng trọt, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thông qua tài liệu, hệ thống máy chiếu, chị em có dịp tìm hiểu về các mô hình làng nghề vùng nông thôn Hàn Quốc, mô hình sản xuất nông nghiệp thành công, mang đến thu nhập cao cho phụ nữ. Bà Hồ Thị Hoa, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, nói: "Qua hình ảnh minh họa, giới thiệu phụ nữ nông thôn Hàn Quốc sản xuất và giới thiệu nông phẩm thấy hay quá. Tôi nghĩ rằng, nếu địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, tiêu thụ nông phẩm, chị em có thể làm tốt". Niềm vui này lan tỏa đến 50 phụ nữ các quận, huyện tham gia lớp nghề kỹ thuật chăm sóc móng, 50 phụ nữ các quận, huyện được 2 chuyên gia ngành chăm sóc móng của Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn, nắm bắt khá nhanh nhạy các kỹ thuật cơ bản của nghề và đạt yêu cầu thi tay nghề cuối khóa. Được trang bị bộ dụng cụ khởi nghiệp khoảng 2 triệu đồng, các học viên vận dụng để phát huy tay nghề, có thể tự mở tiệm kinh doanh hay làm thợ phụ để học hỏi, tích lũy thêm kỹ thuật, kỹ năng nghề. Hai học viên Lâm Thị Thanh Thủy (quận Bình Thủy) và Trần Tiểu Phụng (huyện Thới Lai) đang sống ổn định với nghề làm móng, bày tỏ sự tâm đắc với các kiến thức tích lũy được khi học nghề, giúp các bạn có thêm kinh nghiệm và khởi nghiệp thuận lợi.

Không chỉ phụ nữ nông thôn tham gia các hoạt động của dự án, đội ngũ nhân viên Trung tâm DVVL TP Cần Thơ được dự các lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn và điều hành; giới và bình đẳng giới; thiết kế việc làm; trang bị phương pháp xác định tính cách để định hướng nghề nghiệp, các kiến thức tư vấn (nhóm, hỗ trợ xin việc lưu động; doanh nghiệp cần tuyển lao động...). Ngoài ra, thông qua hoạt động trao đổi, trung tâm gởi nhân viên sang Hàn Quốc và tiếp nhận viên chức Hàn Quốc cùng học tập và trao đổi kinh nghiệm…

Tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết: Trong 2 năm 2013-2014, từ nguồn kinh phí của dự án và kinh nghiệm thực tế, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ có điều kiện duy trì và tổ chức thêm một số hoạt động, đáp ứng nhu cầu việc làm của lao động nữ. Mô hình "Xe tư vấn việc làm lưu động" là một trong chuỗi hoạt động của Dự án được Trung tâm DVVL TP Cần Thơ tiếp tục triển khai trong 2 năm 2013-2014, được học tập từ mô hình "Xe buýt việc làm" của Hàn Quốc, có nghiên cứu đổi mới để phù hợp thực tế địa phương. Qua 2 năm, trung tâm tổ chức 54 xe tư vấn việc làm lưu động, thu hút 1.882 lượt lao động (có 1.237 lượt lao động nữ) tham gia và có 1.010 lao động được kết nối với nhà tuyển dụng. Dù số lao động ngoại thành tham gia tư vấn còn khiêm tốn so với tổng số lao động trong độ tuổi nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu việc làm của chị em. Trung tâm đã nỗ lực duy trì mô hình này, đưa nhiều thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước cũng như nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để lao động nữ nông thôn có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và chọn cho mình việc làm phù hợp.

Theo bà Bích Vân, thành tựu đáng ghi nhận sau thời gian thực hiện dự án là trung tâm đã ứng dụng hiệu quả mô hình "Một điểm đến" (thực hiện dịch vụ tiếp nhận và giải quyết nhu cầu tìm việc làm trọn gói, cung cấp tất cả các dịch vụ tại điểm tiếp nhận ban đầu). Theo đó, khách hàng (gồm người lao động và đơn vị sử dụng lao động) chỉ cần đến một điểm, gặp một viên chức, tìm hiểu, nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các nhu cầu về việc làm. Để mô hình đạt hiệu quả, trung tâm thực hiện thêm nhiều hình thức tư vấn khác như: Tư vấn, giải đáp thắc mắc về chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, quan hệ lao động và bình đẳng giới thông qua Tổng đài điện thoại (Call-center); tư vấn trực tiếp mang tính chất riêng tư (tư vấn 1-1); tư vấn lưu động tại các điểm tập trung đông dân cư; tư vấn nhóm... Ngoài ra, phát huy mô hình Ngày hội việc làm phụ nữ giai đoạn trước, trung tâm đa dạng hoạt động tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng gồm: Thông tin cơ hội học nghề; tư vấn mức độ thích hợp nghề; hướng dẫn đăng ký tìm việc làm; lập hồ sơ dự tuyển và viết thông tin cá nhân; hướng dẫn kỹ năng dự phỏng vấn và tổ chức phỏng vấn thử; kiểm tra tính cách qua quét dấu vân tay… Đối với hoạt động đào tạo nghề và kỹ năng, trung tâm dần ứng dụng dự án trong tổ chức dạy nghề từ khâu chuẩn bị mở lớp đến kết thúc lớp học; kết nối việc làm, khảo sát tình trạng tìm kiếm và theo dõi việc làm của chị em sau khi xin việc…

Với những kiến thức học tập được từ dự án, thời gian qua, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá có nhiều nỗ lực trong tiếp nhận và triển khai thực hiện hiệu quả dự án. Đồng thời, trung tâm đã tham gia các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong cả nước. Đó là: Báo cáo kinh nghiệm về thực hiện mô hình dự án ở hội thảo tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc; Tư vấn tại Ngày hội thông tin cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho lao động nữ tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Nam; Báo cáo tại "Hội thảo phần mềm Bảo hiểm thất nghiệp" của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) với mô hình: "Ứng dụng mô hình Một điểm đến trong thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp" (được đề nghị đưa vào nghiên cứu và áp dụng rộng rãi); Báo cáo tại "Hội thảo tăng cường thực hiện các thỏa thuận song phương về bình đẳng giới và việc làm bền vững - chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch tương lai" ở Hà Nội về "Mô hình thành công về việc làm có lồng ghép bình đẳng giới".

Thời gian tới, phát huy hiệu quả dự án, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ tiếp tục tổ chức các hoạt động: Tư vấn việc làm lưu động và khởi động hình thức "Điểm hẹn việc làm"; tư vấn gắn với sơ tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài, lồng ghép nhiều nguồn kinh phí từ các hoạt động để duy trì và phát huy tiện ích được hỗ trợ. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ nhà tuyển dụng và người tìm việc; tư vấn xác định tính cách trong chọn nghề cho học sinh trường phổ thông; xây dựng hiệu quả mô hình liên kết bền vững giữa trường, trung tâm và doanh nghiệp cũng như thử nghiệm mô hình vườn ươm doanh nghiệp… tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận nhiều hơn các cơ hội học nghề, tìm việc làm để có thể khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết