03/01/2023 - 22:55

Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ (KHCN) để nâng cao tiềm lực, thế mạnh địa phương, quốc gia ngày càng được chú trọng. Trong đó, hợp tác quốc tế về KHCN được xem là xu thế tất yếu - “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) TP Cần Thơ tổ chức hội thảo bàn về vấn đề này với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường tiềm lực KHCN của thành phố trong tương lai.

Những điển hình về hợp tác quốc tế

Hội thảo Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế các hội thành viên do Liên hiệp các Hội KHKT TP Cần Thơ tổ chức.

Hội thảo Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế các hội thành viên do Liên hiệp các Hội KHKT TP Cần Thơ tổ chức.

Thời gian qua, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (CTUMP) và Trường Đại học Cần Thơ (CTU) là 2 điển hình về hợp tác quốc tế ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học chuyên ngành, y dược, KHCN.

PGS.TS Nguyễn Thắng, Phó Trưởng Phòng KHCN và Quan hệ đối ngoại, CTUMP, mở đầu câu chuyện hợp tác quốc tế bằng việc CTUMP vừa khai giảng, chào đón 59 du học sinh Ấn Độ. Đây là khóa đào tạo sinh viên nước ngoài đầu tiên của CTUMP và là bước tiến mới trong quan hệ đối ngoại của nhà trường. Ông Thắng cho biết, hiện CTUMP ký kết hợp tác trên 50 trường, viện, tổ chức, đơn vị trên thế giới, trong đó có các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ... và khu vực Đông Nam Á.

Được thành lập từ năm 2002, CTUMP chủ yếu thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về y học cộng đồng, y học gia đình, các dự án thiện nguyện phẫu thuật dị bật bẩm sinh cho trẻ em và trao đổi giáo dục. Xác định đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo chính là cách để nâng vị thế của trường, CTUMP ngày càng có thêm nhiều dự án hợp tác mới, bao phủ các chuyên ngành mà nhà trường đang có. Ví dụ như các dự án về chương trình đào tạo y dược, điều dưỡng, y học gia đình, sức khỏe tâm thần, chăm sóc dược, nhà thuốc cộng đồng, răng - hàm - mặt... Gần đây, nhiều dự án chú trọng đến việc cập nhật chương trình đào tạo mới theo năng lực sinh viên chuyên khoa cũng giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS.TS Lê Việt Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng CTU, với thâm niên và nhiều kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế của CTU, đã chia sẻ tại hội nghị nhiều kinh nghiệm hay. Thông qua các chương trình hợp tác với các tổ chức và các viện, trường đại học trên thế giới, CTU đã mở rộng và nâng tầm hoạt động về các mặt: quản lý, quy hoạch, giảng dạy, năng lực cán bộ, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cấp và bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tại Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL do trường tổ chức mới đây, sự có mặt của rất nhiều đại diện tổ chức, cơ quan quốc tế và những biên bản ký kết hợp tác quốc tế minh chứng cho điều này.

Hiệu quả hợp tác giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và CTU là ví dụ rõ nhất. Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam, cho biết: JICA và CTU có hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp từ năm 1969 và duy trì quan hệ bền chặt cho đến ngày nay. Hợp tác giữa JICA và CTU giai đoạn hiện nay là sự kết hợp toàn diện giữa hợp tác tài chính nhằm hỗ trợ xây dựng tổ hợp phòng thí nghiệm công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu và hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển CTU thành một trường đại học xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Ông Akira cũng cho biết: JICA đang tham gia các chương trình hợp tác chung cho các Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều phối và đang nghiên cứu chương trình phát triển cơ sở hạ tầng đô thị bền vững tại TP Cần Thơ. Bên cạnh đó là nhiều dự án về thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ CTU trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực ĐBSCL. Chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng một trung tâm giáo dục và đào tạo quốc tế mới để CTU có thể tăng cường và tiếp cận các hoạt động giáo dục và nghiên cứu với cộng đồng quốc tế”, ông Akira nhấn mạnh.

Tòa nhà công nghệ cao - dấu ấn trong hợp tác quốc tế của CTU với Chính phủ Nhật Bản, thông qua JICA.

Tòa nhà công nghệ cao - dấu ấn trong hợp tác quốc tế của CTU với Chính phủ Nhật Bản, thông qua JICA.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế

Hội thảo Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế các hội thành viên do Liên hiệp các Hội KHKT TP Cần Thơ tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ về giải pháp, “bí quyết” nhằm thu hút các dự án, nguồn tài trợ lĩnh vực KHCN.

PGS.TS Lê Việt Dũng cho biết: Để có thể hợp tác, thu hút nguồn viện trợ nước ngoài, việc theo dõi tình hình, xu thế của quốc gia, quốc tế cần rất sát sao. Điển hình về chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Tuyên bố chung có nội dung nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, cùng nhiều nội dung hợp tác trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ thông minh. Từ thông tin đó, đối tác quan tâm cần vào website của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam xem các dự án liên quan để đăng ký ngay. Nói về triết lý WIN-WIN trong hợp tác quốc tế, PGS.TS Lê Việt Dũng cho rằng bất kỳ dự án hợp tác nào cũng phải mang lợi ích cho cả hai, kể cả hình thức viện trợ không hoàn lại.

PGS.TS Nguyễn Thắng thì chia sẻ kinh nghiệm, cán bộ, giảng viên và sinh viên CTUMP thường xuyên tham gia dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, đây là nguồn lực rất cơ bản để nắm thông tin, kịp thời có cơ hội hợp tác ở lĩnh vực chuyên ngành. CTUMP cũng duy trì các nhóm Zalo, Facebook để giảng viên, sinh viên thông tin cho nhau về các cơ hội học bổng, các nguồn quỹ quốc tế... và chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận. Việc hợp tác quốc tế còn giúp CTUMP mở rộng mối quan hệ của nhà trường, nhất là với các hội chuyên ngành y dược.

Bà Trần Lê Mộng Châu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết: Mỗi năm, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế đã tập trung vào các chương trình, dự án phát triển bền vững dài hạn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố. Những hoạt động này thường được triển khai song song với công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng và chuyển giao công nghệ canh tác nông nghiệp, bảo vệ sinh thái, quản lý tín dụng. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có 101 lượt tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến triển khai thực hiện 117 chương trình, dự án gồm nhiều quốc tịch và trên các lĩnh vực khác nhau, với tổng số vốn viện trợ là hơn 13,5 triệu USD.

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện cung cấp thông tin nhu cầu vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đăng ký danh mục dự án vận động viện trợ, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, đơn vị cũng xuất bản quyển danh mục vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2020-2025 gửi đến tất cả các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất Liên hiệp các Hội KHKT thành phố cần phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam trong xây dựng đề án lớn của cả nước, để đưa các dự án kêu gọi viện trợ của thành phố vào danh mục. Điều này sẽ tạo nên tính nhất quán, mạch lạc, dễ thu hút các nguồn viện trợ. Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị và Liên hiệp các Hội KHKT thành phố cần tăng cường phối hợp hơn nữa: một bên là ngoại giao, một bên là chuyên môn, nhằm gia tăng hiệu quả hợp tác quốc tế. Đặc biệt, đại biểu đề xuất Liên hiệp các Hội KHKT thành phố cần có bộ phận phụ trách công tác hợp tác quốc tế để làm đầu mối.

Chia sẻ bài viết