13/05/2022 - 09:27

Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu 

Theo các chuyên gia, khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn do biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động và đe dọa đến sự phát triển bền vững của cả khu vực. TP Cần Thơ - đô thị trung tâm của vùng đã và đang tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường, thích ứng với BĐKH...

Hiểm họa từ BĐKH

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra chất lượng công trình kè chống sạt lở, ứng phó BĐKH ở quận Ô Môn.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra chất lượng công trình kè chống sạt lở, ứng phó BĐKH ở quận Ô Môn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nhận định: Khoảng 30 năm qua, khu vực ĐBSCL có sự thay đổi về nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,50C, mực nước biển dâng cao thêm gần 50cm, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Dự báo, do ảnh hưởng từ BĐKH, nhiệt độ trung bình của khu vực ĐBSCL có thể tăng thêm 30C và mực nước biển dâng lên 1m vào năm 2100. Khi đó, có khoảng 90% diện tích thuộc các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL bị ngập hoàn toàn, sinh kế của người dân sẽ có nhiều thay đổi...

Hiện nay, các hiểm họa chính của BĐKH tại TP Cần Thơ là sạt lở bờ sông, nắng nóng, bão, mưa lớn kèm theo lốc xoáy và kéo theo những hiểm họa khác như xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, do ảnh hưởng BĐKH, sạt lở bờ sông, mưa lớn kèm theo giông lốc là những hiện tượng BĐKH xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, gây thiệt hại tài sản, kinh doanh, sản xuất của người dân. Tại TP Cần Thơ, năm 2021 đã xảy ra 26 đợt mưa lớn kèm theo giông lốc, làm sập 8 căn nhà, ảnh hưởng 101 căn nhà, ước thiệt hại tài sản trên 2 tỉ đồng; xuất hiện 23 điểm sạt lở (làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà, 36 căn nhà bị sạt một phần và bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 679m, với tổng thiệt hại ước trên 7 tỉ đồng. Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp. Đặc biệt, các đoạn sông, kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, các kênh rạch có mật độ giao thông thủy lớn, những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, nơi giao thoa giữa dòng chảy sông và dòng triều… có nguy cơ sạt lở cao, gây thiệt hại về sinh mạng, mất đất, nhà cửa, cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông. 

Người dân tại phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) còn nhớ vụ sạt lở bờ sông Ô Môn vào ngày 28-3-2022 đã làm ảnh hưởng 5 căn nhà, trong đó 4 căn bị nhấn chìm xuống sông. Đến nay, 1 căn nhà ảnh hưởng cũng sụp hoàn toàn xuống sông Ô Môn. Bà Nguyễn Thị Bảnh, nhà gần khu vực sạt lở, cho biết: “Tôi sinh sống ở đây hơn 42 năm nhưng chưa từng thấy vụ sạt lở nào ở khu vực này. Không ngờ chỉ trong vòng khoảng 10 phút, 4 căn nhà đã chìm mất hút dưới lòng sông. Chứng kiến cảnh sạt lở mới thấy được nguy hiểm của người dân sống cặp theo sông, rạch. Gia đình tôi sẽ chấp nhận di dời nếu ngành chức năng xây dựng bờ kè chống sạt lở kiên cố tại khu vực này”.

Ứng phó

Để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ BĐKH, nước biển dâng, TP Cần Thơ đã tranh thủ tối đa các nguồn vốn, triển khai đầu tư những công trình, dự án trọng điểm để ứng phó, như các dự án kè sông Cần Thơ, sông Thốt Nốt, sông Ô Môn, rạch Cái Sơn... Đồng thời triển khai nạo vét hồ Búng Xáng, hồ Xáng Thổi và nhiều sông, rạch trên địa bàn nhằm tăng cường không gian xanh, không gian mặt nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực ứng phó BĐKH và nước biển dâng... Bên cạnh đó, thành phố cũng đã gia cố hàng ngàn mét kè chống sạt lở bờ sông bằng các giải pháp truyền thống; xây dựng 10 công trình kè chống sạt lở và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 18,476km, kinh phí thực hiện 2.639 tỉ đồng; 8 công trình kè chống sạt lở đã và đang triển khai thực hiện với tổng chiều dài 21,12km, kinh phí thực hiện 2.345 tỉ đồng; chuẩn bị triển khai thi công 6 công trình kè chống sạt lở với tổng chiều dài 5,735km, kinh phí thực hiện 681,61 tỉ đồng... Các công trình trên góp phần ổn định bờ sông, an toàn cho người dân và phát triển đô thị… 

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với BĐKH, Thành ủy Cần Thơ vừa ban hành Chương trình BVMT, phòng chống ô nhiễm và ngập, nghẹt nước trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt tại đô thị đạt 100% và 95% tại khu vực nông thôn; 100% chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom và xử lý đúng quy định; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường; kiểm soát chặt chẽ 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% đường đô thị và đường qua khu dân cư ngoài đô thị có hệ thống thoát nước mưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đạt 75%…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, thành phố đang tập trung quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống ô nhiễm môi trường, ứng phó BĐKH và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, người dân đối với công tác BVMT, ứng phó BĐKH, phòng tránh thiên tai, lốc xoáy, sạt lở bờ sông… Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành quán triệt, nghiêm túc thực hiện chương trình BVMT, phòng chống ngập nghẹt, ứng phó BĐKH theo chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ. Đối với các dự án phòng, chống sạt lở đang triển khai thực hiện, các ngành chức năng, chủ đầu tư phải kiểm tra, đôn đốc để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ; các dự án đã có kế hoạch đầu tư thực hiện cũng nên sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch, góp phần ứng phó BĐKH...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết