05/06/2019 - 10:09

Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố

Nâng cao hơn nữa chất lượng tuyển sinh khối ngành y- dược 

Cử tri thành phố phản ánh một số trường đại học trên địa bàn thành phố tuyển sinh đầu vào khối ngành y - dược với số điểm thấp và lo ngại chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước những dư luận đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã giám sát chuyên đề hoạt động tuyển sinh và đào tạo khối ngành y - dược tại một số cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.

Đoàn tham quan phòng thực hành dược liệu tại Trường Đại học Nam Cần Thơ. 

Giám sát tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đoàn giám sát đánh giá công tác đào tạo của trường bước đầu đáp ứng được yêu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và chuyên sâu cho vùng ĐBSCL cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam. Theo báo cáo của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trường có 455 giảng viên; trong đó, có 1 giáo sư, 22 phó giáo sư, 43 tiến sĩ, 238 thạc sĩ, 21 chuyên khoa cấp II, 3 chuyên khoa cấp I, 127 đại học… Tính đến năm 2018, Trường mua sắm bổ sung máy móc, đầu tư trang thiết bị đầy đủ cho tất cả các ngành khám và chữa bệnh, với số tiền 344 tỉ đồng. Trường thực hiện tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hằng năm.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: "Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tuyển sinh đầu vào tương đối cao so với mặt bằng cả nước. Cụ thể năm 2018, ngành có điểm tuyển cao nhất là ngành y khoa: 22,75 điểm, ngành có điểm tuyển thấp nhất là y tế công cộng: 17 điểm. Sinh viên sau khi trúng tuyển được xem là những học sinh khá, giỏi, đủ điều kiện để đào tạo ngành sức khỏe. Điều quan trọng là trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm bảo công tác giảng dạy. Sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm… Thời gian tới, nhà trường cần nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho xuất khẩu lao động".

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hiện tại, Trường đang đào tạo 8 mã ngành đại học chính quy và 56 mã ngành sau đại học với gần 10.000 sinh viên, học viên đang học tập và rèn luyện. Ông Nguyễn Trung Kiên mong muốn Quốc hội, Nhà nước, Bộ, ngành các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng và sớm hoàn thiện các hạng mục công trình đầu tư xây dựng Trường giai đoạn 2 đã được Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện cho Trường trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của khu vực miền Tây và cả nước.

Trong các cuộc giám sát tại một số trường đại học ngoài công lập trên địa bàn thành phố, các thành viên trong đoàn cũng ghi nhận, đánh giá cao về công tác tuyển sinh và đào tạo ngành sức khỏe. Trong đó, Trường Đại học Tây Đô và Đại học Nam Cần Thơ tuyển sinh nhiều ngành hệ đại học, như: dược học, điều dưỡng, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật xét nghiệm y học, y đa khoa. Hình thức tuyển sinh của khối ngành y - dược là xét tuyển kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển theo học bạ THPT… Năm 2018, Trường Đại học Tây Đô tuyển sinh trên 500 sinh viên đào tào thạc sĩ, đại học và liên thông cao đẳng, đại học; còn Trường Đại học Nam Cần Thơ có trên 1.000 sinh viên trúng tuyển vào các ngành dược học, kỹ thuật hình ảnh y học, y khoa…

Xem xét về số lượng, hình thức tuyển sinh của các trường, một số thành viên trong đoàn giám sát bày tỏ sự lo ngại. Ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho rằng: "Đối với các trường ngoài công lập, nhà trường cần xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của khối ngành khoa học, sức khỏe; phải dựa vào giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng để quy đổi cho đúng với quy định pháp luật. Đặc biệt, cần tránh trường hợp tuyển sinh nhiều nhưng thiếu đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy. Các trường cũng cần xem xét mở rộng các phòng thực hành, phòng thí nghiệm và đầu tư thêm trang thiết bị để đáp ứng như cầu dạy và học cho sinh viên; phân công giảng viên chịu trách nhiệm, theo dõi, liên hệ cũng như hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình thực tập để chất lượng đào tạo được đảm bảo". Một số thành viên trong đoàn giám sát cho rằng đào tạo ngành sức khỏe đòi hỏi sinh viên là những người ưu tú, có năng lực và hiểu biết mới có khả năng tiếp thu được lượng kiến thức lớn trong quá trình đào tạo. Những năm gần đây, nhiều trường ngoài công lập tuyển sinh đầu vào quá thấp nên chất lượng đầu ra rất đáng lo ngại.

Qua giám sát chuyên đề hoạt động tuyển sinh và đào tạo khối ngành y - dược tại một số cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, lưu ý: "Để nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành y - dược, các trường cần quan tâm hơn nữa chất lượng đầu vào; đồng thời, đầu tư trang thiết bị để phục vụ cho công tác nghiên cứu, thực hành của sinh viên… Bên cạnh đó, Đoàn cũng ghi nhận những khó khăn và đề xuất của các trường để báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật".

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết