30/04/2021 - 10:58

Nâng cao hiệu quả trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội 

Thời gian qua, TP Cần Thơ không chỉ nỗ lực thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp, mà còn kịp thời chăm lo đời sống tinh thần cho đối tượng diện bảo trợ xã hội (BTXH) trong các cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) và ngoài cộng đồng. Qua đó, giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội thành phố.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố lồng ghép dạy nghề cắt tóc cho các đối tượng tại Trung tâm BTXH TP Cần Thơ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố lồng ghép dạy nghề cắt tóc cho các đối tượng tại Trung tâm BTXH TP Cần Thơ.

Chị Huỳnh Thúy Niềm, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) thành phố, bên cạnh quan tâm chăm lo ổn định đời sống vật chất hội viên, Hội cử cán bộ tham dự các hội nghị, hội thảo, tọa đàm liên quan quyền lợi NKT… Hội phối hợp tổ chức 18 buổi tham vấn đồng cảnh để hỗ trợ tâm lý cho NKT qua việc lắng nghe lẫn nhau, giải tỏa cảm xúc. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về đảm bảo quyền lợi NKT, tự tin hòa nhập cộng đồng. Chị Phạm Thị Kim Viếng, hội viên NKT, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, cho biết: “Tham gia sinh hoạt Hội, tôi lạc quan và tiến bộ hơn nhiều so với trước đây. Tôi được giới thiệu vay vốn ưu đãi sản xuất, mua bán, phát triển kinh tế gia đình; tham gia lớp tin học ứng dụng để cập nhật thông tin thời sự, học hỏi nhiều kiến thức bổ ích làm phong phú thêm đời sống tinh thần…”. Ðể hỗ trợ NKT khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Hội NKT thành phố vận động 3.295kg gạo, 200 chai dung dịch kháng khuẩn, 250 con gà, 180 phần quà nhu yếu phẩm, 115 phiếu mua hàng (trị giá 1 triệu đồng/phiếu), trao 20 học bổng (trị giá 500.000 đồng/suất).

Trung tâm BTXH TP Cần Thơ đang quản lý, nuôi dưỡng 580 đối tượng, đảm bảo cung cấp nước sạch, phục vụ ăn, uống hằng ngày... Ông Ngô Trí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm kết hợp Bệnh viện Tâm thần thành phố khám, phân loại bệnh tâm thần và chỉ định điều trị, giúp đối tượng thuyên giảm bệnh, một số được gia đình bảo lãnh về cộng đồng. Trung tâm bố trí 2 phòng phục hồi chức năng người rối nhiễu tâm trí, với 14 nhân viên phụ trách. Các hoạt động thể dục buổi sáng, đánh cờ, xem phim, nghe nhạc, sinh hoạt nhóm, lao động - dạy nghề, đọc sách báo được duy trì theo lịch tuần”. Năm 2021, Trung tâm xây dựng 2 khu vui chơi ngoài trời có rào chắn phục vụ nhiều đối tượng.

Năm 2020, từ nguồn vận động xã hội và ngân sách chi hỗ trợ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Cần Thơ thực hiện các chương trình: xây và sửa chữa 20 căn nhà ở; cấp 206 suất học bổng; cấp 267 suất địa chỉ đỏ; trợ vốn không lãi suất cho 8 gia đình nạn nhân; cấp 23 xe lăn, xe lắc, xe đạp; hỗ trợ 10 hộ thay tôn mái lá; khám bệnh, cấp thuốc hỗ trợ 728 lượt nạn nhân; tặng quà 17.938 lượt nạn nhân các dịp lễ, Tết…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, năm qua, thành phố trợ cấp thường xuyên trên 187 tỉ đồng cho 482.520 lượt đối tượng BTXH ngoài cộng đồng; hỗ trợ 54,114 tỉ đồng cho 36.076 đối tượng BTXH gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19; trợ cấp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho 40.769 đối tượng BTXH, số tiền 37,974 tỉ đồng. Năm 2021, thành phố tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 20/2021/NÐ-CP của Chính phủ quy định chính sách TGXH đối với đối tượng BTXH, với mức chuẩn TGXH áp dụng từ 1-7-2021 là 360.000 đồng/tháng. Chính sách áp dụng cho các đối tượng gồm: TGXH thường xuyên tại cộng đồng; TGXH khẩn cấp; chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng BTXH tại cơ sở TGXH. Ðồng thời, triển khai kế hoạch thực hiện Ðề án phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và Chương trình trợ giúp NKT TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 của UBND thành phố.

Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết: Năm nay, song song thực hiện chính sách TGXH cho tất cả đối tượng BTXH ở cộng đồng và các cơ sở TGXH, thành phố đẩy mạnh truyền thông giúp các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương và nhân dân nâng cao nhận thức về chăm lo các đối tượng BTXH có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các doanh nghiệp nhận thức về trách nhiệm xã hội trong tham gia thực hiện chính sách TGXH của thành phố. Các hội và cơ sở TGXH đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực để chăm sóc tốt đời sống vật chất, tinh thần hội viên, đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH và cộng đồng vào dịp lễ, Tết…

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết