11/04/2012 - 20:17

Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bài cuối: Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo dự báo của Thanh tra Chính phủ, thời gian tới, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai sẽ có sự thay đổi. Trong khi đó, những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai chậm được khắc phục, là yếu tố dẫn đến tình trạng KNTC có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Làm gì để kiềm chế, giảm dần số lượng các vụ KNTC, nhất là những vụ việc KNTC đông người, gay gắt, phức tạp, vượt cấp cũng như hạn chế “điểm nóng” mới phát sinh, để trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị được giữ vững?

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai

Công chức địa chính của UBND xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai tiếp công dân và hướng dẫn các thủ tục để người dân thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai.

Đó là một trong những vấn đề mà nhiều địa phương quan tâm. Ông Lê Tâm Niệm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Bình Thủy, kiến nghị Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Cụ thể cần quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cho phù hợp với quy định của Luật KNTC, chứ không quy định quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, nhằm đảm bảo quyền khiếu nại của công dân. Điều chỉnh về thời hạn sử dụng đất và hạn mức sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với tình hình hiện nay (đối với đất nông nghiệp: Thời hạn sử dụng đất nên để lâu dài; hạn mức sử dụng đất có thể mở rộng đến 30ha), nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất theo mô hình trang trại, tổ hợp tác, cánh đồng mẫu lớn... Đồng thời, cần khắc phục những vướng mắc về giá đất; về thu hồi, đền bù thiệt hại về đất đai khi thực hiện các dự án đầu tư, để có sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Nhằm hạn chế việc KNTC có liên quan đến việc đền bù, bồi thường thiệt hại về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi khoản 5, Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27-7-2007 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá đất. Vì trong quy định này, khung giá đất tối thiểu và tối đa chưa sát với thực tế nên việc ban hành bảng giá đất của địa phương chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đối với các dự án có thu hồi đất, kiến nghị nên chỉ áp dụng cơ chế bồi thường, hỗ trợ chung, không nên để các nhà đầu tư tự thỏa thuận giá bồi thường. Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất, giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, sau đó tổ chức cho các nhà đầu tư đấu thầu thực hiện dự án.

Cũng liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Mai Hồng Châu, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, kiến nghị ngành chức năng cần xem xét, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch sau khi có thông báo về quy hoạch (được quy định tại Chỉ thị số 03/CT-BTNMT ngày 1-12-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Bên cạnh đó, ông Mai Hồng Châu cũng kiến nghị UBND TP Cần Thơ cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ các quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp và công bố công khai cho các tổ chức, cá nhân được biết để thực hiện và giám sát, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất; quản lý, giám sát chặt việc thực hiện các công trình, dự án có thu hồi đất, đảm bảo đất thu hồi phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật, không bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai...

Về việc giải quyết “điểm nóng”, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, kiến nghị UBND TP Cần Thơ cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai đối với diện tích đất mà Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Nông trường Sông Hậu (nay là Công ty Nông nghiệp Sông Hậu) và Trại giống cây trồng Cờ Đỏ quản lý, khai thác (hiện nay, tại Nông trường Sông Hậu có khoảng 2/3 diện tích đất không thể quản lý được; tình hình giao nhận khoán tại các đơn vị này diễn ra rất phức tạp, làm phát sinh nhiều KNTC trên địa bàn). Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng của thành phố cần tăng cường phối hợp với UBND huyện Cờ Đỏ kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo phát sinh từ Nông trường Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Trại giống cây trồng Cờ Đỏ (giải quyết ngay từ cơ sở), hạn chế tối đa việc KNTC đông người, tạo “điểm nóng”, gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thực Hiện cũng kiến nghị UBND thành phố cần sớm chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập hồ sơ địa chính để bàn giao phần diện tích đối với các công trình công cộng, diện tích nhà ở, đất ở để bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật. Ngành chức năng cũng cần tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và sự sơ hở của pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức hợp đồng ủy quyền, giúp người dân đi vay vốn. Đồng thời, tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn, đặc biệt đối với việc công chứng, chứng thực các hồ sơ liên quan đến đất đai...

Đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết KNTC

Xác định công tác dân vận trong giải quyết KNTC là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC và kết quả giải quyết phải hướng đến mục đích yên dân. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục pháp luật, vận động, thuyết phục người KNTC chấp hành kết quả giải quyết đúng pháp luật của cơ quan nhà nước. Cán bộ làm công tác giải quyết KNTC phải tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người KNTC để đề xuất chính sách, biện pháp giải quyết phù hợp. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng tại Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10-1-2008 của Bộ Chính trị về giải quyết KNTC. Trong đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết KNTC. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Luật KNTC năm 2011 gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương; tập trung triển khai có hiệu quả, đúng nội dung, tiến độ yêu cầu của Đề án Đổi mới công tác tiếp dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm năm 2012 các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí trụ sở và cán bộ làm công tác tiếp công dân”.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết KNTC, ngành chức năng cần tổ chức đối thoại công khai, dân chủ với công dân, theo quy định để làm rõ nội dung sự việc, xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế, vận dụng tổng hợp các giải pháp về kinh tế, hành chính; tuyên truyền, vận động để giải quyết KNTC có lý, có tình, có tính khả thi cao. Về vấn đề này, ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, kiến nghị: các ngành, các cấp cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sao cho thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố lại công tác quản lý và sử dụng đất đai từ Trung ương đến địa phương; tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, chú trọng hơn đến công tác rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai và giải quyết KNTC về đất đai...

Trước những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết tranh chấp, KNTC, phát biểu tại Hội nghị về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam được tổ chức tại TP Cần Thơ vào ngày 27-3-2012, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, đề nghị các địa phương cần chịu khó “cầm tay chỉ việc” cụ thể cho cấp cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Cấp tỉnh phải tích cực hơn nữa trong việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng hồ sơ địa chính và công khai toàn bộ hồ sơ đó. Khi hệ thống hồ sơ địa chính hoàn chỉnh, cán bộ quản lý ngày càng thông thạo, thì số vụ tranh chấp sẽ giảm nhiều. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác hậu kiểm tra đối với các dự án, công trình sau khi được giao đất, cho thuê đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp, KNTC của công dân, nhằm phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật đối với các trường hợp vi phạm...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết