09/04/2012 - 09:49

Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bài 1: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân

Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là quyền cơ bản của công dân, là kênh thông tin khách quan phản ánh việc thực thi quyền lực của bộ máy Nhà nước. Thông qua giải quyết KNTC, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của chính sách, pháp luật; từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Những năm gần đây, KNTC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, luôn là vấn đề nóng bỏng được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Ở TP Cần Thơ, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm, bảo vệ được lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...

* Tăng cường công tác giải quyết KNTC

Đông đảo người dân ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy tham gia buổi “Diễn đàn UBND quận đối thoại với công dân về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng”. 

TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL, đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho thành phố và có sức lan tỏa đến các địa phương trong vùng. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở thành phố diễn ra mạnh mẽ. Nhiều dự án được triển khai; nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp được hình thành và mở rộng; các vùng kinh tế trọng điểm hình thành; từ đó, tình hình KNTC về đất đai cũng gia tăng...

Trước tình hình đó, ngày 26-10-2006, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/UB về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác giải quyết KNTC. UBND TP Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10-6-2009 về tăng cường công tác giải quyết đơn thư KN, tranh chấp đất đai; Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 9-6-2009 về việc ban hành quy chế phối hợp giải quyết các vụ việc tập trung đông người KNTC làm mất an ninh, trật tự tại trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn; Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 30-9-2009 quy định về công tác tiếp dân và giải quyết KNTC của tổ chức, công dân trên địa bàn... Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và các cấp, các ngành trên địa bàn đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết KNTC về đất đai, tập trung giải quyết các KNTC ngay từ khi mới phát sinh vụ việc, không để phát sinh KNTC đông người. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan Trung ương có biện pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc KNTC kéo dài, phức tạp, đông người, đặc biệt là các KNTC về đất đai tại các nông trường, trạm, trại.

Theo thống kê, từ năm 2004-2010, TP Cần Thơ đã triển khai: giao đất cho 460 dự án (tổng diện tích 2.169,167ha); cho 183 tổ chức thuê đất (tổng diện tích 366,503ha); thu hồi đất (tổng diện tích 3.054,996ha); chuyển mục đích sử dụng đất cho 85 tổ chức (tổng diện tích 57,394ha). Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực (ngày 1-7-2004) cho đến nay, các cơ quan hành chính và Thanh tra các cấp đã tiếp 16.913 lượt người KNTC về đất đai; nhận 7.339 đơn thuộc thẩm quyền (trong đó 6.768 đơn KN; 571 đơn TC). Nội dung KNTC chủ yếu tập trung vào việc thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, tranh chấp đất đai, TC cán bộ (nhất là cán bộ ở cấp chính quyền cơ sở, Ban giải phóng mặt bằng) vi phạm pháp luật, mất dân chủ, tham nhũng, cố ý làm trái chính sách, pháp luật... Kết quả giải quyết được 6.178/6.768 đơn KN và 484/571 đơn TC; khôi phục quyền lợi cho công dân hơn 9 tỉ đồng; điều chỉnh hơn 270.000m2 đất; kiến nghị xử lý nhiều cá nhân sai phạm...

* Hạn chế khiếu kiện đông người

Ô Môn là một trong những quận, huyện của TP Cần Thơ có số lượng lớn đơn thư KNTC, trong đó, phần lớn nội dung có liên quan đến đất đai. Ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: Từ năm 2004-2005, số lượng đơn KNTC trên địa bàn tương đối ít (164 đơn), nhưng từ năm 2006-2010, số lượng tăng vọt (1.160 đơn); từ năm 2011- đến nay, số lượng đơn thư KNTC đã giảm so với trước. Nội dung KNTC chủ yếu liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại và hỗ trợ tái định cư tại các dự án thu hồi đất. Tình hình KNTC đông người ở địa phương không nhiều, nhưng đã xảy ra với mức độ khá gay gắt. Điển hình như KNTC tại Dự án Khu Công nghiệp Trà Nóc II; Dự án Trung tâm Điện lực Ô Môn. Ngoài ra, tình trạng nhiều người KN cũng xảy ra tại Khu Dân cư, tái định cư quận Ô Môn tại phường Châu Văn Liêm (dự án Bờ Hồ); đòi lại đất Nông trường Sông Hậu và Viện lúa ĐBSCL cũng có các hộ dân ở quận Ô Môn tham gia...

Tình hình khiếu kiện đông người ở TP Cần Thơ chủ yếu tập trung các lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc các dự án xây dựng khu dân cư; khu tái định cư; các công trình kinh tế, chỉnh trang đô thị; khu công nghiệp; đường giao thông, các công trình công cộng... Nội dung chủ yếu là yêu cầu nâng giá bồi thường đất, bố trí tái định cư, bồi thường 100% đất công bị lấn chiếm trái phép (thay vì xin hỗ trợ); xin nhận khoán đất... Điển hình một số vụ việc như: KN đòi lại đất gốc, hợp đồng nhận khoán đất gốc của các hộ dân liên quan đến Nông trường Sông Hậu; Nông trường Cờ Đỏ; Trại Giống cây trồng Cờ Đỏ; Viện Lúa ĐBSCL; KN liên quan đến công trình xây dựng Trung tâm Thương mại Cái Khế; Khu Dân cư Nam sông Cần Thơ; KNTC của 63 hộ dân cồn Cái Khế... Đến nay, các ngành chức năng của thành phố đã giải quyết xong, chấm dứt KNTC đối với các vụ việc liên quan đến giải tỏa đường Trần Quang Diệu; đường Trần Quang Khải, đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc, đường hạ cất cánh Cảng hàng không Cần Thơ, Trung tâm Điện lực Ô Môn, dự án xây dựng Trung tâm sát hạch lái xe loại II (quận Cái Răng), Khu dân cư vượt lũ xã Trường Thành (huyện Thới Lai)...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: Thực hiện công trình xây dựng Khu Dân cư vượt lũ xã Trường Thành có 41 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án (trong đó, có 21 hộ nhận tiền bồi thường, đã bàn giao mặt bằng; riêng số 20 hộ dân còn lại chưa thống nhất, có 16 hộ khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền và khởi kiện tại Tòa án yêu cầu nâng giá bồi thường và xin bố trí thêm nền tái định cư). Các khiếu nại và khởi kiện của người dân đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, dự án kéo dài trong nhiều năm chưa thực hiện dứt điểm, do người dân vẫn tiếp tục khiếu nại và không chịu bàn giao đất. Trước sự việc trên, UBND huyện Thới Lai có văn bản xin chủ trương của thành phố xem xét hoàn cảnh cụ thể tăng nền tái định cư cho từng đối tượng, nhằm bù đắp sự thiệt thòi về quyền lợi cho người dân. Ngày 9-9-2010, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ có Công văn số 4170/UBND-VXNC, thống nhất chủ trương xem xét, giải quyết tăng thêm nền tái định cư cho các hộ dân trong Khu dân cư vượt lũ xã Trường Thành theo đề nghị của UBND huyện Thới Lai. Qua đó, người dân rất đồng tình, không còn khiếu nại và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công...”.

* * *

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở TP Cần Thơ đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Những bất cập trong việc giải tỏa, đền bù đang trở ngại lớn cho công tác giải quyết KNTC của các ngành chức năng thành phố. Một số dự án “quy hoạch treo”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Mặt khác, do nôn nóng để thực hiện dự án, nên công tác điều tra, xác minh chưa đến nơi đến chốn, thậm chí đốt giai đoạn, dẫn đến phát sinh KNTC của công dân ... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Điểm nóng” ở Cần Thơ không nhiều nhưng trước đây thì khá gay gắt, phức tạp, nhất là các khiếu kiện có liên quan đến nông trường, trạm trại đóng trên địa bàn. Các “điểm nóng” này luôn có một số đối tượng cầm đầu, kích động. Trước tình hình đó, thành phố đã thành lập các đoàn công tác liên ngành (nay là Tổ công tác giải quyết “điểm nóng” của thành phố) tiếp nhận, nghiên cứu các yêu cầu, kiến nghị của công dân, đề ra các chủ trương, kế hoạch giải quyết cụ thể; đồng thời, tăng cường việc đối thoại, tuyên truyền, giáo dục thuyết phục và tập trung giải quyết dứt điểm khiếu kiện. Bên cạnh đó, ngành chức năng của thành phố cũng thu thập hồ sơ, chứng cứ xử lý một số đối tượng cầm đầu theo quy định. Đến năm 2011, các “điểm nóng” trước đây cơ bản ổn định và không phát sinh “điểm nóng” mới. Đối với các khiếu kiện có liên quan đến Nông trường Sông Hậu, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Viện Lúa ĐBSCL, tuy đã được giải quyết đúng chủ trương pháp luật nhưng vẫn còn một số người tiếp tục khiếu nại. Hiện nay, Tổ công tác giải quyết “điểm nóng” của thành phố đang khẩn trương tham mưu UBND thành phố để giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của công dân ...

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Kỳ tới: Bài 2: Còn nhiều bất cập

Chia sẻ bài viết