24/04/2011 - 21:19

THỊ TRẤN PHONG ĐIỀN, HUYỆN PHONG ĐIỀN

Nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng

Nông dân ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, trao đổi kinh nghiệm trồng cây cảnh.

Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân mà trong những năm gần đây, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) có tốc độ phát triển nhanh và khá toàn diện về nhiều mặt. Nổi bật là trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...

* Huy động sức dân xây dựng hạ tầng

Đến ấp Nhơn Lộc 2A, thị trấn Phong Điền, nhiều bà con ở tổ 10 phấn khởi kể về việc xây dựng cầu bê tông ông Hai (do cầu gần nhà ông Hai nên người dân địa phương quen gọi như vậy) vững chãi, thay cho cây cầu ván gập ghềnh ngày nào. Ông Trần Văn Thanh, Bí thư Chi bộ ấp Nhơn Lộc 2A, cho biết: “Trước đây, cây cầu làm bằng cây,ván, chỉ rộng khoảng 1 mét, đã xuống cấp, hư hỏng, bà con đi lại rất khó khăn...”. Cuối tháng 3-2010, Chi bộ và Ban Nhân dân ấp Nhơn Lộc 2A họp bàn thống nhất vận động nhân dân đóng góp xây dựng cây cầu bê tông. Mặc dù có chủ trương, nhưng chuyện làm cầu không phải dễ, vì đời sống của bà con còn khó khăn, nhiều người dân e ngại sợ không đủ khả năng đóng góp. Trước tình hình đó, các cán bộ ấp họp dân phân tích, động viên bà con đóng góp tiền, công sức cùng nhau xây dựng cầu. Qua kiên trì vận động, nhiều hộ dân nhiệt tình ủng hộ, đóng góp được khoảng 16 triệu đồng, khoảng 45 ngày công lao động để xây dựng cầu (ngang 2 mét, dài 14,5 mét). Ông Lê Văn Thống, 78 tuổi, một người dân có uy tín và nhiệt tình với công tác xã hội đã được bà con tín nhiệm giao quản lý công trình, vận động nhân dân góp tiền, công sức xây dựng cầu. Ông Lê Văn Thống bộc bạch: “Trước khi triển khai làm cầu, cán bộ ấp tổ chức họp dân lấy ý kiến bà con về chủ trương xây dựng cầu. Thấy họ phân tích hợp tình, hợp lý, chúng tôi ủng hộ ngay, vì chủ trương này cũng nhằm giúp cho giao thông thuận lợi, đời sống người dân phát triển hơn”.

Vừa qua, cán bộ ở ấp Nhơn Lộc 2A cũng đã vận động dân góp hơn 5,5 triệu đồng xây dựng cầu cạnh nhà ông Khánh với chiều dài 8 mét, ngang 2 mét. Ông Đặng Hồng Khen, người dân ấp Nhơn Lộc 2A, nói: “Mọi việc liên quan đều được cán bộ ấp công khai rõ ràng, tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân nên bà con đồng lòng ủng hộ chủ trương xây cầu. Trong quá trình làm cầu, cán bộ ấp cũng tham gia vác cát, bưng gạch, trộn hồ... với bà con, nên ai nấy đều phấn khởi, ráng góp sức cho công trình mau hoàn thành”.

Theo ông Trương Văn Dầy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền, chuyện xây dựng cầu, đường có huy động sức dân, bà con đều quyết định, cán bộ thị trấn, ấp chỉ vận động và làm cầu nối giữa bà con với nhau. Được tham gia bàn bạc dân chủ và quyết định mọi việc nên người dân càng hăng hái đóng góp xây dựng quê hương. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, nhân dân thị trấn Phong Điền đã đóng góp 109 triệu đồng xây mới và sửa chữa 13 cây cầu. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp tiền, ngày công thực hiện giặm vá, sửa chữa hơn 15.000 mét đường giao thông nhựa nguội, đắp ta-luy, kè mé chống sạt lở, dọn cỏ khai thông dòng chảy các kênh bồi lắng... Trước đó, trong năm 2010, nhân dân thị trấn cũng đóng góp gần 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, thị trấn đã vận động nhân dân đóng góp xóa được khoảng 80% cầu 1 mét tạm bợ; hầu hết các tuyến đường đều được bê tông hóa, nhựa hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

* Vận động tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống

Chạy dọc theo tuyến đường bên tay phải của rạch Trà Niềng lớn, trước mắt chúng tôi là những vườn cây vú sữa xanh tốt, trĩu quả. Ông Nguyễn Hùng Thoại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, cho biết: “Trước đây, bà con ở ấp Nhơn Lộc 1A chủ yếu trồng cam mật, nhưng do dịch bệnh cam bị chết dần. Hội Nông dân đã vận động nông dân chuyển đổi sản xuất, trồng những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua những lần được tham qua, tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả, bà con đã quyết định chọn cây vú sữa làm cây trồng chủ lực, vì dễ trồng, giá cao”. Hiện nay, gia đình ông Phan Chánh Thể, ở ấp Nhơn Lộc 1A, trồng 80 cây vú sữa, trong đó có 40 cây đã cho trái, với thu nhập khoảng 65 triệu đồng/năm. Ông Phan Chánh Thể cho biết: “Nhờ Hội Nông dân tổ chức tham quan những mô hình hiệu quả tập huấn kỹ thuật, rồi hỗ trợ vốn... nông dân chúng tôi mới mạnh dạn chuyển sang trồng loại cây này. Cây vú sữa không nặng công chăm sóc, giá bán khá cao làm, bà con rất phấn khởi vì đời sống kinh tế được cải thiện”. Gia đình ông Nguyễn Văn Cơ ở ấp Nhơn Lộc 1A, cũng trồng 120 cây vú sữa xen lẫn với cóc, măng cụt, chuối... thu nhập mỗi năm khoảng 120 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Cơ, hiện nay, Hội Nông dân thị trấn đang xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Trồng vú sữa ấp Nhơn Lộc 1A. Bà con rất mừng khi được làm ăn tập thể, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Huyện Phong Điền được xác định là vành đai xanh của thành phố, chính vì thế, Hội Nông dân thị trấn Phong Điền đã phát động nhân dân trồng cây cảnh vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa thu hút khách tham quan du lịch. Hiện nay, Hội Nông dân thị trấn chuẩn bị ra mắt Câu lạc bộ Cây cảnh. Ông Lưu Văn Đực, ấp Nhơn Lộc 2, nói: “Được Hội Nông dân tổ chức đi tham quan những nơi trồng cây cảnh nổi tiếng ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre,... bà con tận dụng đất quanh nhà trồng mai, nguyệt quế, hoa sứ, hoa giấy... vừa tăng thêm thu nhập, vừa tạo cảnh quan quanh nhà. Chúng tôi rất mong muốn thành lập câu lạc bộ để mọi người học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc, tạo dáng... thu hút khách tham quan du lịch, tăng thu nhập”.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng Ban chỉ đạo Thực hiện quy chế dân chủ thị trấn, đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền, vận động tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Thị trấn Phong Điền sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết