31/10/2021 - 07:25

Nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại địa phương 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các kế hoạch đối ngoại từ Trung ương đến địa phương đều bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động phải hủy, hoãn. Với tinh thần sáng tạo, quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao đã cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai công tác đối ngoại linh hoạt, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch và duy trì phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Ðồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, tiếp Ngài Nicolas Warnery, Ðại sứ Pháp tại Việt Nam vào tháng 3-2021.

Không để dịch COVID-19 cản trở đà hội nhập quốc tế

Tại “Tọa đàm trực tuyến giữa Ðoàn Ðại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2021-2024 với lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ÐBSCL”, đồng chí Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh, thời gian qua, bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế có nhiều biến động lớn, khó lường, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành đối ngoại phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, công tác đối ngoại vẫn được triển khai tích cực, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại chính là các diễn đàn, hội thảo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công với hình thức trực tuyến; các cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao với các đối tác được tăng cường. Dấu mốc quan trọng trong công tác ngoại giao chưa từng có tiền lệ chính là ngoại giao vaccine, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu kép cũng như thành tích phòng, chống dịch của đất nước.

Bộ Ngoại giao với mạng lưới các cơ quan đại diện trên thế giới không ngừng nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kết nối địa phương, xúc tiến hợp tác thương mại và đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện tối đa cho các địa phương trong triển khai thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương đã triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương, cũng như cơ chế liên vùng/liên tỉnh với các đối tác nước ngoài. Trong công tác ngoại giao kinh tế, mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư nước ngoài tại các địa phương vẫn đạt kết quả khả quan. Trong bối cảnh dịch COVID-19, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã dành sự ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam ứng phó với dịch bệnh. Từ đầu năm 2021 đến nay, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã ghi nhận hơn 100 khoản hỗ trợ gồm: tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, đào tạo, tập huấn,… từ hơn 50 tổ chức với trị giá hơn 6,3 triệu USD. Ðây là nguồn lực hết sức ý nghĩa mà các nước bạn đã dành cho Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn.

Cần Thơ mở rộng thị trường thu hút đầu tư

Thời gian qua, lãnh đạo TP Cần Thơ luôn quan tâm nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư. Ðáng chú ý, với đối tác Nhật Bản, thành phố thường xuyên duy trì tổ chức các đợt lễ hội Giao lưu văn hóa - thương mại Việt Nam - Nhật Bản; ký Biên bản ghi nhớ giữa Ðại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và Học viện Ngoại ngữ Okayama về đào tạo tiếng Nhật; ký Biên bản ghi nhớ giữa Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam TP Cần Thơ và Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam chi hội tỉnh Okayama về hợp tác về đối ngoại nhân dân. Thành phố tiếp tục duy trì hợp tác với Công ty Nippon Koei, phối hợp tổ chức chuyến công tác tham quan, học tập các khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung ở khu vực phía Bắc. Công ty Nippon Koei và TP Cần Thơ cũng đã làm việc và trao đổi để xúc tiến hợp tác đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ, các vấn đề cấp thoát nước, rác thải, nước thải sinh hoạt, Dự án Bệnh viện Tim mạch, Dự án Nghiên cứu tiền khả thi đường sắt nội ô…

Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tiếp nhận khoản viện trợ đồ dùng phòng dịch COVID-19 từ tổ chức World Vision International.​

Với các đối tác của Thụy Sĩ, hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện nhiều dự án, như dự án “Hỗ trợ đào tạo liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ” gồm 2 giai đoạn, tổng kinh phí trên 1,5 tỉ đồng do Hội VMA Thụy Sĩ tài trợ; các dự án của Tổ chức The Dariu Foundation (TDF) tài trợ như trao tặng học bổng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19,… với tổng giá trị tất cả các dự án cam kết triển khai tại thành phố giai đoạn 2016-2021 là 61 tỉ đồng;…

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, đến nay TP Cần Thơ có 85 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,05 tỉ USD. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh hầu hết các doanh nghiệp trong đó, có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động cầm chừng hoặc suy giảm sản xuất do gặp khó khăn về nguyên liệu, thị trường lao động hoặc điều kiện làm việc. Những hoạt động hợp tác quốc tế được lên kế hoạch giữa thành phố với các đối tác nước ngoài đều bị hoãn hoặc huỷ. Ðể tháo gỡ khó khăn, bên cạnh việc liên hệ chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, TP Cần Thơ đã và đang kiểm soát chặt dịch bệnh, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại thành phố.

Gắn kết và đồng hành

Trong 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19 lần thứ 4, tại các địa phương, các kế hoạch đối ngoại đều bị ảnh hưởng, việc trao đổi đoàn quốc tế bị ngưng trệ. Ý kiến lãnh đạo UBND các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ÐBSCL đều cho rằng, dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc mà chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, cho biết, hậu COVID-19, tỉnh Bình Dương hiện có 90% doanh nghiệp với hơn 500.000 lao động tái khởi động sản xuất. Tỉnh mong muốn các Ðại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài trong nhiệm kỳ công tác quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế của các nước đến khảo sát, nghiên cứu và đầu tư tại Bình Dương; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ và sản xuất vật liệu mới, vật liệu thông minh… nhằm thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này và xây dựng thành phố thông minh.

Là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung 13 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 4.600ha, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước -Trần Tuệ Hiền mong muốn kết nối, xúc tiến đầu tư với các địa phương ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc; hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Bình Phước, như cao su, điều, bưởi da xanh, sầu riêng, hồ tiêu…

Trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều lĩnh vực hợp tác, xúc tiến đầu tư được các địa phương “đặt hàng” cụ thể cho Ðoàn Ðại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2021-2024. Trong đó, tập trung vào việc kêu gọi thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, như kết nối hạ tầng, phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sản xuất, dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục, xuất khẩu...

Dự báo những tháng cuối năm, tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, thời gian tới các địa phương và Bộ Ngoại giao, các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường gắn kết và đồng hành. Trong đó, các cơ quan đại diện có vai trò rất quan trọng, là cầu nối với các địa phương và nước sở tại để phục vụ đắc lực các địa phương phát triển kinh tế. Phía địa phương cũng cần liên hệ chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện. Đồng chí cho rằng chặng đường hội nhập trước mắt với nhiều thách thức, thành công của các địa phương cũng chính là thành công của ngành ngoại giao. Với quyết tâm và nỗ lực chung của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các địa phương, tin tưởng rằng, công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có những bước phát triển toàn diện hơn, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết