09/01/2019 - 06:37

Nâng cao giá trị ngành thực phẩm chế biến 

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản tổ chức Hội thảo Nhật -Việt về nâng cao trình độ ngành gia công thực phẩm Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề về nâng cao năng lực quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu thực phẩm có giá trị cao, xây dựng chiến lược bán hàng hiệu quả… Trong đó, yêu cầu hết sức cần thiết, cấp bách chính là hoạch định những chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của ngành thực phẩm chế biến.

Nhiều doanh nghiệp của TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Trong ảnh: Sản phẩm cá thát lát của Công ty cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa được thành phố chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: MỸ THANH

Nhiều doanh nghiệp của TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Trong ảnh: Sản phẩm cá thát lát của Công ty cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa được thành phố chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ảnh: MỸ THANH

Theo các chuyên gia  Nhật Bản, từ năm 2017, Việt Nam và Nhật Bản đã có sự đồng ý ở cấp Thủ tướng về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các ngành công nghiệp và góp phần nâng cao năng suất sản xuất cho các công ty của Việt Nam. Tiêu biểu phải kể đến dự án phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản khảo sát, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp gia công thực phẩm Việt Nam. Nội dung khảo sát xoay quanh khả năng mở rộng thị trường trong và ngoài nước sau khi nâng cao trình độ ngành nông nghiệp Việt Nam; cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào ngành gia công thực phẩm Việt Nam; tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp liên quan giữa hai nước từ đó đề ra phương án thực hiện và đưa ra những thách thức có thể xảy ra…

Ông Shimuzu, Chuyên viên kế hoạch, Vụ Chính sách thương mại, Phòng Châu Á Châu Đại Dương, Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản, cho biết: Qua cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ngành nông-lâm-thủy sản. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản hiện nay của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp và ngành thực phẩm chế biến vẫn còn nhiều yếu kém. Trong đó, các thách thức đang phải đối mặt là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện để phục vụ sản xuất thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Hiện Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm về các thủ tục xuất khẩu; thiết kế bao bì, dán nhãn; marketing tại thị trường nước ngoài…

Từ thực tế này, theo ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ phó Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương, Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp, tránh tình trạng chờ thông tư mới thực thi được luật và mỗi địa phương lại hiểu và áp dụng luật theo một cách khác nhau. Đặc biệt, cần có chính sách tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn thay vì sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn quản lý  an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… cần được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ tập trung vào tiêu chuẩn, chứng nhận công bằng từ đơn vị thứ 3; phân tích, khảo sát hành vi tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng; xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm một cách có chiến lược. Ngoài ra, cần tổ chức kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt - Nhật; khai thác kênh bán hàng, xúc tiến liên kết hợp tác các dự án; xây dựng khu vực kiểu mẫu bằng việc khoanh vùng đặc khu để tập trung cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm của khu vực đó…

Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ người tiêu dùng Nhật Bản, ông Shimuzu, Chuyên viên kế hoạch, Vụ Chính sách thương mại, Phòng Châu Á Châu Đại Dương, Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản, đề xuất: “Ở khâu sản xuất, ngành chức năng Việt Nam cần tuyên truyền nâng cao nhận thức để tránh tình trạng gian lận thương mại; công khai, minh bạch các phương tiện, mạng lưới phân phối; đào tạo nhân lực trình độ cao đủ sức làm chủ dây chuyền máy móc hiện đại. Ngoài ra, quá trình chế biến, đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường cần lưu ý hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng chuỗi bảo quản và vận chuyển lạnh, đảm bảo cho hàng nông sản ít thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời, cần có các đơn vị kiểm tra, chứng nhận chất lượng độc lập; chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách bài bản”.

Bàn về những lưu ý khi làm việc với đối tác Nhật Bản, ông Katsuki Kishi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AEON Topvalu HongKong, chia sẻ: “Tại AEON chúng tôi, toàn tập đoàn xây dựng chuỗi cung ứng riêng; quản lý toàn bộ các công đoạn từ lập kế hoạch điều phối, sản xuất, gia công, lưu thông hàng hóa cho đến bán sản phẩm. Do đó, để đạt được hiệu quả cao nhất khi giao thương với Nhật Bản nói chung và AEON nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nên hình thành chuỗi sản xuất – cung ứng khép kín, theo mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn”. Bên cạnh đó, cần nỗ lực xây dựng thương hiệu mạnh, với đầy đủ các giấy chứng nhận chất lượng của các tổ chức kiểm định uy tín; hướng tới thực thi một cách nghiêm túc các mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết