04/02/2019 - 07:20

Nâng cao chuỗi giá trị nông sản 

Theo nhận định của các nhà khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ cao (CNC) giúp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là điều đã được minh chứng rõ ràng qua các mô hình sản xuất ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, TP Cần Thơ cũng đã triển khai các mô hình sản xuất này đáp ứng yêu cầu gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao chuỗi giá trị nông sản và đảm bảo an toàn thực  phẩm cho người tiêu dùng.

Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Cần Thơ được trình diễn tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN XUẤT

Dưới ánh nắng xuân, cánh đồng lớn (CĐL) ở ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ) bạt ngàn màu xanh tươi của lúa đông xuân đang trong giai đoạn mạ. Bà con nông dân cặm cụi chăm sóc, tiêu thoát nước bảo vệ lúa. Ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú, cho biết: “Vụ đông xuân 2018-2019, cả cánh đồng đều sử dụng cùng 1 giống lúa chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Lúa gieo sạ nảy mầm, phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019”.

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, từ năm 2013 đến nay, nhiều hộ dân trong cánh đồng ở ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú đã liên kết hình thành mô hình “cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa chất lượng cao theo đơn đặt hàng của Công ty cổ phần Nông nghiệp CNC Trung An. Tham gia mô hình, bà con có điều kiện ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và được doanh nghiệp cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp đầu vào đến cuối vụ mới thanh toán tiền nên giảm được nhiều chi phí sản xuất. Năm 2018 các tổ viên tại “cánh đồng mẫu lớn” đã chuyển từ tổ hợp tác CĐL lên thành Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú gắn với CĐL, nhằm nâng cao tính pháp lý khi ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. “Qua nhiều năm thực hiện liên kết với doanh nghiệp làm CĐL, chúng tôi thấy hiệu quả sản xuất nâng cao rõ nét, lợi nhuận của nông dân tăng thêm từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, nông dân không phải lo giá lúa đầu ra vì doanh nghiệp bao tiêu lúa tươi ngay đầu vụ, với giá từ bằng đến cao hơn thị trường vào thời điểm thu hoạch. Vụ đông xuân 2018-2019, hơn 200 thành viên của cánh đồng, với diện tích canh tác hơn 300ha, tiếp tục liên kết sản xuất lúa thơm Jasmine 85 theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp” - ông Võ Văn Rô nói.

Mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tại quận Bình Thủy.

Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình khuyến nông phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị, nông nghiệp CNC trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm, phát triển du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, Trung tâm xây dựng 10-12 mô hình trình diễn sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng CNC chiếm khoảng 30-40%. Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị thực hiện có hiệu quả, như: trồng nấm bào ngư xám, nấm linh chi, hoa kiểng, rau an toàn theo phương pháp thủy canh và hữu cơ... Những mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập cho hộ gia đình trong điều kiện đất đai hạn hẹp mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Qua 5 năm (2013-2018) thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học tiến bộ, công nghệ vào sản xuất, TP Cần Thơ chuyển dịch, cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất theo đúng hướng. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp đang giảm nhưng chất lượng nông sản nâng cao kéo theo giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản gia tăng, đạt gần 16.200 tỉ đồng, tăng 10,27% so với năm 2013. Đến cuối năm 2018 TP Cần Thơ có 33/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện Phong Điền đạt huyện nông thôn mới. Dự kiến, huyện Vĩnh Thạnh sẽ đạt danh hiệu nông thôn mới vào quý I-2019. Đây là nền tảng vững chắc để các địa phương ứng dụng CNC vào sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn an toàn, bền vững.

Cánh đồng sản xuất lúa giống ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đạt hiệu quả cao và sẽ được nhân rộng thời gian tới.

Hiện nay, TP Cần Thơ cũng đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao khép kín trên 93 CĐL, với 23.211ha và 16.349 hộ nông dân tham gia sản xuất. Lợi nhuận sản xuất lúa trên CĐL cao hơn ngoài mô hình từ 1,8 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó phát triển vùng trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày trên 12.600ha, sản lượng 136.000 tấn/năm; vùng trồng cây ăn trái đặc sản chuyên canh 17.000ha nâng cao chất lượng gắn với du lịch sinh thái; đồng thời, Cần Thơ đang xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng CNC, chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng vùng nuôi cá tra và các mô hình nuôi thủy sản gia tăng hiệu quả… nhằm tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nông nghiệp thành phố, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa có hiệu quả đối với nhóm nông sản chủ lực: lúa, trái cây, thủy sản, chăn nuôi.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, với 1.318 cuộc tập huấn, có 44.372 lượt nông dân tham dự; 331 cuộc hội thảo với 4.927 lượt người tham gia; tổ chức tham quan ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa, rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ giống cây, con với trị giá trên 3,7 tỉ đồng để giúp nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, thủy sản... Việc đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất cũng được thành phố quan tâm đầu tư.

Điểm nổi bật là ngành nông nghiệp thành phố xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, chăn nuôi, thủy sản đạt hiệu quả cao, đang thực hiện và phát triển một số mô hình trồng rau thủy canh (ở Bình Thủy) theo quy mô hộ gia đình, trồng rau trong nhà lưới (Thốt Nốt, Cái Răng, Bình Thủy...), trại sản xuất rau mầm (Ninh Kiều), nuôi trồng đông trùng hạ thảo (Bình Thủy), nhân rộng sản xuất lúa giống tại Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, CNC vào sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản hàng hóa trong năm 2019 này. Trong đó, đặc biệt ứng dụng công nghệ sinh học, CNC vào sản xuất giống, cây con và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất theo hướng xây dựng nền nông nghiệp kỹ thuật cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng đồng bộ quy trình hoàn chỉnh, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân hướng tới mục tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn (GAP), tiêu thụ theo hợp đồng và có sức cạnh tranh cao…”.

Theo dự kiến, năm 2019 ngành nông nghiệp thành phố sẽ phát huy hiệu quả, nhân rộng hàng trăm mô hình sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ cao, như: mô hình khuyến nông tưới phun mưa cho vườn cây ăn trái; nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt; sản xuất rau ăn trái theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; mô hình trồng nấm bào ngư xám; sản xuất giống lúa chất lượng cao… để nông dân học tập làm theo và các mô hình tiếp tục được nhân rộng.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết