08/07/2024 - 19:50

Nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng 

(CT) - Ngày 8-7-2024, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp Hội LHPN TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người (MBN)”. Dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, các sở, ban, ngành thành phố, Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL, đại diện Hội LHPN các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long…

Các đại biểu chia sẻ những giải pháp hỗ trợ nạn nhân MBN tại hội thảo.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 2-2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó, xác định 7.962 người là nạn nhân MBN. Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn với người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động...

Tại hội thảo, các đại biểu xác định hỗ trợ sinh kế không chỉ là biện pháp mang tính phòng ngừa, còn là giải pháp giúp cho những nạn nhân bị mua bán trở về được ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, không trở thành nạn nhân một lần nữa. Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay; cùng thảo luận những giải pháp hỗ trợ nạn nhân MBN; góp phần tiếp thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống MBN nói chung và hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm yếu thế nói riêng có cơ hội hòa nhập tốt hơn… Một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn phố chia sẻ mô hình hỗ trợ sinh kế đạt hiệu quả cao trong việc tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại địa phương trong thời gian qua…

Dịp này, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển giới thiệu tài liệu hướng dẫn “Quy trình triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân MBN”.

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển là đơn vị trực thuộc Hội LHPN Việt Nam, thành lập năm 2002, có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ tổn thương. Năm 2007, mô hình nhà tạm lánh đầu tiên tại Việt Nam dành cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán trở về mang tên Ngôi nhà Bình yên ra đời tại Hà Nội, sau đó được nhân rộng tại TP Cần Thơ vào năm 2018. Sau 17 năm thành lập và vận hành, Ngôi nhà Bình yên đã thực hiện 27.689 lượt tham vấn cho 17.534 ca, tiếp nhận và hỗ trợ tạm lánh hơn 1.700 người đến từ 56/63 tỉnh/thành, thuộc 17 dân tộc, trong đó số phụ nữ, trẻ em bị MBN chiếm gần 27%.

Đây là lần đầu tiên Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức hội thảo về chủ đề hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân MBN tại cấp tỉnh.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết