31/10/2011 - 10:09

Nâng cao chất lượng cá tra giống

Theo ước tính của Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, hàng năm thành phố cần từ 400-500 triệu con cá tra giống để đáp ứng cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu của thành phố. Bên cạnh việc đảm bảo số lượng cá giống, vấn đề ngành chức năng và người nuôi quan tâm hiện nay là quản lý nguồn giống cá tra đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Chất lượng cá tra giống giảm sút

Chăm sóc cá tra giống tại Tổ hợp tác Hưng Lợi, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, đến tháng 10-2011, trên địa bàn thành phố có 6 cơ sở sản xuất cá tra bột với năng suất 230 triệu cá tra bột/năm và 390 hộ ương cá tra giống với diện tích 538 ha, tạo nguồn cung cá giống cho TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chất lượng nguồn giống cá tra giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng đến việc sản xuất và chất lượng cá tra nguyên liệu. Ông Phan Văn Tây, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hưng Lợi, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, chuyên ương cá tra giống, cho biết: “Hiện nay, ở khâu ương cá giống, do nguồn cá bột kém chất lượng nên cá giống có tỷ lệ sống thấp. Mặt khác, một số hộ ương cá tra giống thường có tập quán ương với mật độ dầy khiến môi trường nước dễ bị ô nhiễm, cá thường mắc bệnh gan thận mủ, xuất huyết da... tỷ lệ hao hụt cao”. Ngoài nguồn cá giống tại địa phương, các hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ còn mua cá giống từ An Giang và Đồng Tháp. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, hiện nay, người nuôi cá tra nguyên liệu phải mua cá giống trôi nổi trên thị trường nên chất lượng không đảm bảo. Số lần cá bị bệnh trong một vụ nuôi tăng lên, thời gian nuôi kéo dài, tỷ lệ cá giống có khi hao hụt từ 40-50% làm giá thành con giống tăng, người nuôi không có lãi.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng cá giống là do đàn cá bố mẹ qua nhiều năm sinh sản không còn đạt tiêu chuẩn. Các hộ sản xuất giống chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sản xuất với số lượng hàng loạt theo nhu cầu thị trường khiến chất lượng cá giống giảm sút, công tác quản lý chất lượng nguồn giống còn hạn chế do thiếu nhân lực...

Tập trung nâng cao chất lượng

Để nâng cao chất lượng cho sản phẩm cá tra xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường thế giới, nghề nuôi cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng phải từng bước cải tiến và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, SQF, BMP... Trong đó, yếu tố tiên quyết chính là tạo ra nguồn cá giống đảm bảo chất lượng và truy xuất được nguồn gốc.

Theo ông Phan Văn Tây, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hưng Lợi, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, hiện nay, Tổ Hợp tác Hưng Lợi đang tiến hành sản xuất cá giống theo tiêu chuẩn BMP để có đầu ra ổn định, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ người nuôi cá thịt và doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất, các tổ viên phải tập trung xử lý ao nuôi, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng nguồn nước; ương cá giống với mật độ vừa phải để hạn chế dịch bệnh, thực hiện ghi chép sổ sách, quản lý nguồn thức ăn và các loại thuốc kháng sinh... Về lâu dài, Tổ hợp tác sẽ từng bước mở rộng quy mô nuôi, tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng các đơn hàng lớn.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, trong số 863ha diện tích nuôi cá tra thịt đã có 54ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, 70ha đạt tiêu chuẩn SQF và 15ha đang thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn BMP. Bên cạnh đó, một số hộ sản xuất cá tra giống cũng đang thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP, SQF, BMP,... để đảm bảo chất lượng cho nguồn cá giống khi cung cấp ra thị trường. Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ đang khuyến khích các hộ ương cá tra giống sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, không sử dụng các loại thuốc cấm. Đồng thời, Chi cục cũng khuyến cáo các cơ sở sản xuất cá tra bột khi chọn lọc nguồn cá giống bố mẹ phải tránh cận huyết, có thể mua nguồn cá bố mẹ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II để đảm bảo đa dạng về di truyền, tạo ra cá giống có chất lượng giống tốt hơn”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết