01/04/2008 - 21:53

Nặng bước đến trường!

Khi được hỏi về tình hình đời sống giáo viên, cô Mạc Cẩm Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Trần Quốc Toản (Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ), buồn bã cho biết: “Mấy tháng qua, trường tôi có cô giáo sau giờ tan trường phải đi phụ việc nhà để kiếm tiền mua sữa cho con. Công đoàn trường đã 2 lần hỗ trợ cho cô cũng chỉ được 200.000 đồng”.

Giá cả nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu “leo thang” đã làm tăng thêm gánh nặng và nỗi lo “cơm-áo-gạo-tiền” đối với nhiều thầy cô giáo.

Trụ với nghề: khó quá!

Mỗi ngày, cô Nhàn phải cùng học sinh lớp 1A1 chờ phụ huynh đến rước, sau đó vội vã đi làm thêm. 

Mỗi chiều sau giờ tan trường, cô Võ Thị Thanh Nhàn, bảo mẫu của lớp 1A1, Trường TH Trần Quốc Toản lại vội vã đến nhà chị Tư ở đường Nguyễn Thị Minh Khai để giúp dọn dẹp nhà cửa và nấu bữa chiều. Cô Nhàn tâm sự: “Ông xã tôi làm giáo viên dạy thể dục ở Trường THCS Lương Thế Vinh. Mỗi tháng tổng thu nhập từ lương của hai vợ chồng tôi chỉ được 2,1 triệu đồng. Để tiết kiệm, chồng tôi ăn cơm sinh viên, nhưng hiện nay giá đã tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/phần. Chúng tôi cố gắng cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu cá nhân, chỉ dám ăn sáng bằng gói xôi 2.000 đồng, dành tiền mua sữa cho đứa con gái 3 tuổi. Vật giá leo thang, sau Tết Mậu Tý con tôi lại phải vào bệnh viện 2 lần nên tôi đã xài hết số tiền dành dụm để lợp mái nhà nhằm chống dột trong mùa mưa sắp tới!” .

Cô Sơn Thị Tiến, Chủ tịch Công đoàn Trường TH Trần Quốc Toản, cho biết: “Cô Nhàn thuộc diện đặc biệt khó khăn nên vừa rồi được công đoàn xét hỗ trợ 200.000 đồng/2 suất trợ cấp khó khăn. Còn lại 18 suất nhà trường dành hỗ trợ cho những trường hợp bị ốm đau, tai nạn hay cả hai vợ chồng đều là giáo viên hoặc phải thuê nhà trọ quá khó khăn vì tình trạng giá cả leo thang. Tới đây, nhà trường không còn nguồn quỹ phúc lợi nên không biết làm thế nào để giúp đỡ thầy cô giáo chống chọi với cơn bão giá!”.

Trường Mầm non Phước Thới, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, có 25 giáo viên, hầu như ai cũng đang trong tình cảnh phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua cơn “bão giá”. Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy vào nghề đã 19 năm, mỗi tháng thu nhập được 1,6 triệu đồng, gồm lương và phụ cấp. Chồng cô Thúy chạy xe honda ôm gặp cảnh xăng tăng giá nhưng các bác tài ở bến đều không dám tăng tiền xe vì sợ mất mối. Trước đây, trừ tiền xăng, mỗi ngày chồng cô Thúy kiếm được khoảng 50.000 đồng, nay chỉ còn gần 40.000 đồng. Cô Thúy cho biết: “Tôi đã cắt điện thoại, chuyển từ nấu ga sang dùng than tổ ong, nhịn cả ăn sáng dành tiền lo chi phí học hành cho 2 đứa con và bữa ăn gia đình. Nhưng tôi chỉ cho các con được ăn thịt vào những ngày đầu tháng, còn lại thường là rau và cá vụn”.

Công đoàn Trường Mầm non Phước Thới không có quỹ trợ cấp khó khăn cho giáo viên, các giáo viên tự chia sẻ cho nhau bằng việc góp hụi tương trợ, nhưng do ai cũng thu nhập ít nên mức đóng góp chỉ 20.000 đồng/người/tháng. Tháng trước, người được công đoàn xét cho hốt hụi là cô Dương Thị Hồng Nhung. Cô Nhung chưa lập gia đình, phải nuôi mẹ già và đứa em còn đi học. Mẹ cô Nhung đang bị bệnh, cô cần có tiền để đưa mẹ đi bệnh viện. Nhà trường còn có 2 cô giáo mới ra trường, hưởng lương hợp đồng 700.000 đồng/tháng, cả hai cô đều phải sống nhờ vào trợ cấp của cha mẹ vì tiền nhà trọ đã tiêu tốn 250.000 đồng/tháng.

Trao đổi về tình cảnh của nhiều giáo viên trước sức ép giá cả hiện nay, ông Ngô Phú Lỳ, Trưởng phòng GD-ĐT Ô Môn, nói: “Từ năm 2008, theo quy định của Sở GD-ĐT các trường học không được cho tư nhân hợp đồng tổ chức căn tin. Quy định này, được phụ huynh rất đồng tình vì đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng công đoàn cơ sở không có nguồn quỹ để hỗ trợ giáo viên. Cũng từ đầu năm học này, giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày không được nhận chế độ phụ cấp 260.000 đồng/tháng. Giáo viên mầm non, mỗi ngày phải đến trường từ 6 giờ sáng để đón HS và chỉ được ra về khi tất cả HS đã được phụ huynh đến rước, nhưng chế độ làm thêm giờ đã bị cắt từ nhiều năm trước. Quận Ô Môn còn gần 40 giáo viên mầm non hợp đồng, tình trạng này nguy cơ giáo viên không trụ được nghề là rất lớn”.

Tăng trách nhiệm, giảm thu nhập

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình giáo dục hòa nhập và quy định các trường mầm non và TH phải thu nhận trẻ khuyết tật (không quá 3 em/lớp), nhằm giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2000, hệ thống trường mầm non công lập quá tải, mô hình nhóm trẻ gia đình phát sinh ngày càng nhiều, Bộ GD-ĐT lại quy định cán bộ quản lý các trường mầm non công lập phải có trách nhiệm quản lý nhóm trẻ gia đình trên địa bàn, tránh tình trạng các chủ cơ sở hám lợi, nuôi dạy trẻ kém chất lượng.

Trên thực tiễn, lớp có trẻ bị khiếm thính hay có biểu hiện chậm phát triển tâm thần giáo viên phải dành thời gian phụ đạo riêng thì HS này mới bắt kịp chương trình học. Tương tự công tác quản lý nhóm trẻ gia đình đòi hỏi cán bộ quản lý các trường mầm non phải thường xuyên đến các nhóm trẻ gia đình để kiểm tra về điều kiện nuôi dạy; đồng thời phải làm văn bản báo cáo với Phòng GD-ĐT nhằm đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp. Bà Trần Cẩm Tú, Trưởng Phòng Tổ chức- Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ban hành Quyết định số 39/2002/QĐ-UB (ngày 6-3-2002) quy định mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/ tháng đối với giáo viên các trường mầm non bán trú và cán bộ quản lý kiêm nhiệm công tác quản lý nhóm trẻ gia đình, giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, khi TP Cần Thơ trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, chế độ chi hỗ trợ sự nghiệp giáo dục được thực hiện theo Quyết định số 222/2004/QĐ-UB do Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký ngày 20-4-2004. Trong đó, không có mục chi hỗ trợ cho giáo viên mầm non bán trú, cán bộ quản lý kiêm nhiệm công tác quản lý nhóm trẻ gia đình và giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật”.

Trước thềm năm học 2007-2008, Sở GD- ĐT TP Cần Thơ đã gởi Tờ trình số 710/SGD-ĐT-TCCB do bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở, ký ngày 8-5-2007, đề nghị UBND TP Cần Thơ duy trì các chế độ hỗ trợ cho giáo viên mầm non, TH và THCS -THPT (đối với giáo viên tham gia công tác phổ cập và giáo viên dạy môn phụ). Tuy nhiên, thành phố không giải quyết mà còn cắt thêm chế độ hỗ trợ 260.000 đồng/người/tháng đối với giáo viên TH dạy 2 buổi/ngày (chế độ hỗ trợ này, được chi từ ngân sách thành phố thực hiện trong năm học 2006-2007). Ông Trần Trọng Khiếm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Trước kỳ họp cuối năm 2007 của HĐND thành phố, vào tháng 10-2007, Sở GD-ĐT có gởi Tờ trình số 710/SGD-ĐT-TCCB cho UBND thành phố, nhằm tiếp tục đề xuất lãnh đạo thành phố cho thực hiện lại các chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non và phổ thông để giúp thầy cô giáo chống chọi khó khăn trong tình hình vật giá leo thang”. Tuy nhiên, theo bà Bùi Ngọc Vỵ, Trưởng phòng Kinh tế - UBND TP Cần Thơ thì: “Do quy định của Luật Ngân sách và Bộ GD-ĐT không chấp thuận cho địa phương thực hiện chế độ chi ngoài quy định của Bộ, nên nội dung Tờ trình của Sở GD-ĐT không được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp HĐND thành phố”.

*

* *

Trong hệ thống giáo dục phổ thông, bậc mầm non và TH được xem là bậc học nền tảng. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT liên tục áp dụng nhiều phương pháp đào tạo mới, nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện để bắt nhịp tốt chương trình giáo dục bậc trung học, thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia. Theo đó, giáo viên dạy hệ mầm non và TH phải luôn học hỏi để nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu xã hội, đồng thời giáo viên dạy môn phụ trong các trường THCS, THPT cũng phải thực hiện nhiều yêu cầu của mục tiêu thi đua 2 tốt. Tuy nhiên, chế độ dành cho bộ phận này lại được Bộ GD-ĐT tính theo kiểu cào bằng. Ngoài ra, trong các trường TH bán trú còn có lực lượng bảo mẫu, có trách nhiệm như giáo viên mầm non, nhưng chỉ được hưởng lương hợp đồng như diện lao động phụ trong cơ quan hành chính sự nghiệp. Thiết nghĩ, thành phố và ngành giáo dục nên xem xét, có giải pháp hỗ trợ phù hợp để giúp thầy cô giáo vượt qua khó khăn, trụ được với nghề.

Minh Nguyệt

Ngày 31-8-2007, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký  Quyết định số 29/2007/UBND về việc “bãi bỏ một số nội dung... chế độ chi sự nghiệp”. Trong đó, bãi bỏ chế độ phụ cấp 260.000 đồng/tháng/người dành cho giáo viên TH dạy 2 buổi/ngày. Vì  chế độ thù lao làm thêm giờ đối với công chức, viên chức phải được thực hiện thống nhất. Ngành giáo dục thực hiện theo Thông tư liên tịch số 35/2006 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, ban hành từ tháng 8-2006. Trong đó, đối với giáo viên TH dạy 2 buổi/ngày, số giờ vượt chuẩn được tính theo phân phối chương trình. Cụ thể: giáo viên khối 1, 4 và 5 được hưởng 12 giờ vượt chuẩn; giáo viên khối 2 được hưởng 8 giờ vượt chuẩn, giáo viên khối 3 được hưởng 3 giờ vượt chuẩn. Với cách tính này, giáo viên có thâm niên công tác từ 10 năm trở xuống chỉ được hưởng khoảng 100.000 đồng/tháng. Còn những giáo viên mới ra trường, hưởng lương tập sự xem như “chan chát”, vì số tiền mỗi giờ làm thêm tính theo hệ số lương.  

Chia sẻ bài viết