30/01/2018 - 15:35

Nan giải điều trị bệnh sốt xuất huyết 

Tại  hội nghị giao ban tuyến nhi khoa vừa qua, bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ lưu ý các thầy thuốc rằng “cuộc chiến với sốt xuất huyết còn nan giải, không được chủ quan”. Trao đổi với Báo Cần Thơ, bác sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ:

- Nói cuộc chiến chống sốt xuất huyết (SXH) còn nan giải vì số ca mắc SXH ở các tỉnh phía Nam trong năm 2017 xấp xỉ năm 2008 (năm cao nhất); tỷ lệ tử vong, bệnh nặng vẫn còn cao. Năm 2017, ở TP Cần Thơ không có tử vong do SXH. Thống kê tình hình SXH trong 41 tuần của năm 2017, các tỉnh xung quanh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh... đều ghi nhận có tử vong. Ngay ở TP Hồ Chí Minh, cũng có tới 6 ca tử vong.

Cuộc chiến chống SXH còn phức tạp, chưa giải quyết được triệt để. Trong đó có nguyên nhân mạng lưới y tế phát triển chưa đồng đều, nhất là ở tuyến dưới. Trong khi bệnh SXH cần được điều trị đúng, kịp thời ngay từ lúc khởi phát và theo dõi diễn biến, biến chứng. Người dân còn chủ quan, đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn; tuýp huyết thanh có biến đổi. Trước đây, thường gặp là tuýp 1 và 2, bây giờ gặp cả 3 và 4. Sự thay đổi này làm cho việc điều trị khó khăn hơn.

* Năm 2017, tất cả các ca SXH đều được Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ xử lý thành công. Kết quả đó có phải nhờ các tiến bộ trong điều trị?

- Trước đây, khi bệnh nhi bị SXH mà sốc kéo dài, các bác sĩ hay truyền dung dịch cao phân tử nhân tạo. Đây là dung dịch chủ đạo để điều trị sốc và sốc SXH kéo dài. Hiện nay, các nước châu Âu không sử dụng nữa vì có thể suy thận, rối loạn đông máu. Vì thế, chiến lược điều trị sốc SXH kéo dài phải thay đổi.

Sáu tháng nay, chúng tôi đã sử dụng Albumin để điều trị sốc SXH kéo dài. Albumin thường được sử dụng để điều trị nội khoa và chưa bao giờ được dùng để điều trị sốc SXH kéo dài. Gần đây BVNĐ 1 mới khuyến cáo các BV nên sử dụng Albumin trong điều trị sốc SXH kéo dài. Albumin là cao phân tử tự nhiên, gần với con người, nên ít gây sốc phản vệ, dễ dung nạp, không gây suy thận, rối loạn đông máu.

Chúng tôi đã sử dụng Albumin để điều trị 12 trường hợp sốc SXH kéo dài. Các bệnh nhi ra sốc, phục hồi tốt, không biểu hiện suy thận, không xuất huyết tiêu hóa; liều lượng cao phân tử, thuốc vận mạch sử dụng ít, giảm tình trạng lọc máu. Qua đó, chúng tôi đánh giá Albumin rất hiệu quả trong điều trị sốc SXH kéo dài.  Albumin có những chỉ định điều trị nghiêm ngặt như bệnh nhân đang thở máy, sốc kéo dài, đo Albumin trong máu 10 gam/lít  mới sử dụng.

* Bác sĩ có nói đến điều trị SXH chưa đồng đều, nhất là ở tuyến dưới, xin bác sĩ nói rõ hơn?

- Năm qua, BVNĐ TP Cần Thơ đã khảo sát công tác điều trị SXH tại BV, Trung tâm Y tế quận, huyện. Qua khảo sát, một số nơi làm tốt và một số nơi làm chưa tốt. Những điểm chưa tốt là: bác sĩ điều trị SXH không phải chuyên khoa Nhi, chưa được tập huấn về điều trị SXH; trang thiết bị hầu như chưa có, tủ thuốc trực không có dung dịch cao phân tử, không trang bị đủ dịch truyền, thuốc vận mạch không có... Nếu muốn điều trị tốt bệnh SXH, tuyến dưới còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, cần tập huấn phác đồ điều trị SXH và cập nhật thông tin cho tất cả các bác sĩ trực cấp cứu, bác sĩ điều trị ở khoa nội, khoa nhi. Năm qua, chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị SXH nặng do tuyến dưới chuyển lên, may mà cứu được. Tuyến dưới cần được củng cố nhiều hơn, không nên mang tư tưởng “ỷ lại” tuyến trên, nặng thì chuyển viện, bởi nếu bệnh nặng, vào sốc thì làm sao chuyển. 

Các BV tuyến dưới lưu ý chuyển viện an toàn, không chuyển khi bệnh nhân đang sốc. Bệnh nhân  ra sốc, mới được chuyển. Trên đường chuyển phải tiếp tục theo dõi và điều trị trên xe, đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn. 

* Thưa bác sĩ, vì sao không được chủ quan trong điều trị SXH ?

 - Trước đây, trong chẩn đoán bệnh SXH chỉ chú trọng tiểu cầu. Khi tiểu cầu giảm dưới 100.000 đơn vị, chẩn đoán là SXH. Bây giờ, nếu tiểu cầu giảm xuống 100.000 là bệnh rất nặng. Có trường hợp, tiểu cầu còn rất cao từ 250.000 - 300.000 nhưng bạch cầu xuống dưới 2.500, là cảnh báo trẻ bị SXH, không phải sốt siêu vi. Bác sĩ không nên chủ quan, cần tiếp tục theo dõi và tư vấn cho người nhà theo dõi trẻ chặt chẽ, không cho trẻ chạy nhảy, cần uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng.

Diễn tiến của bệnh khó tiên đoán, thất thường, có thể mới ngày thứ 2 đã sốc (trước đây, ngày thứ 4-5). Xưa nay, điều trị SXH, qua được ngày thứ 6-7 là ổn, thì bây giờ ngày thứ 6, thứ 7 vẫn còn nguy cơ sốc và tái sốc. Bệnh thay đổi từ không triệu chứng đến sốc, xuất huyết nặng, suy cơ quan và tử vong. Vì thế, cần hết sức cảnh giác, không chủ quan.

* Cha mẹ cần làm gì khi con bị sốt, thưa bác sĩ ?

- Lưu ý, khi trẻ bị sốt, chỉ nên hạ sốt bằng Paracetamol, tuyệt đối không dùng Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt. Vì chẳng may, cháu bị SXH thì các thuốc này làm giảm tiểu cầu, bệnh sẽ càng nặng hơn. Tốt nhất, không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh.       

Không phải tất cả các trường hợp SXH đều phải nhập viện. Khi điều trị ngoại trú, nếu cháu ói nhiều, đau bụng, lừ đừ, sốt cao… cần đưa đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để điều trị kịp thời.

* Xin cảm ơn bác sĩ! 

Trong năm 2017, cả nước ghi nhận trên 181.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có trên 152.000 ca nhập viện với 30 trường hợp tử vong. So với năm 2016 số ca mắc tăng 22,7%, số ca tử vong giảm 9 trường hợp. Tại BVNĐ TP Cần Thơ, lượng bệnh nhi bị SXH điều trị là 2.189 cháu, tăng 4,5%. Trong đó, số bệnh nhi bị SXH nặng chiếm khoảng 40%.

 H.HOA 

Chia sẻ bài viết