10/12/2024 - 11:07

Nam sinh Cần Thơ sáng tạo bộ sản phẩm board game về kháng sinh 

Đào Anh Khoa, sinh viên khóa 46, ngành Dược học, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, là thí sinh có tác phẩm được bình chọn cao nhất trong cuộc thi triển lãm sản phẩm giáo dục trong khuôn khổ Hội nghị Giáo dục Y học toàn quốc vừa diễn ra tại TP Hà Nội. Đó là bộ sản phẩm “Poison - Board game giáo dục về kháng sinh”.

“Poison - board game giáo dục về kháng sinh” của Anh Khoa thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: CTV

Board game là trò chơi tương tác đang rất thịnh hành trong giới trẻ hiện nay. Trò chơi được thực hiện trên bàn cờ với sự hỗ trợ của các vật dụng như lá bài, xí ngầu hoặc quân cờ. Để đạt được chiến thắng, người chơi cần kỹ năng phân tích tình huống, xây dựng chiến lược, dự đoán... Đào Anh Khoa đã ứng dụng kiến thức về kháng sinh để xây dựng nên một bộ board game rất ấn tượng.

Poison board game của Anh Khoa gồm có các lá bài, xây dựng thành ba phe, với hai phe đối lập là Dược sĩ và Độc dược sĩ, cùng với một phe trung lập là Dân buôn. Vũ khí của phe Độc dược sĩ là vi khuẩn và phe Dược sĩ sẽ dùng kháng sinh làm vũ khí để chiến đấu lại, phe Dân buôn sẽ đóng vai trò thuyết phục, thu thập kháng sinh và vi khuẩn để hoàn thành bộ sưu tập cho riêng mình. Dĩ nhiên, nếu Độc dược sĩ “tung” vi khuẩn nào thì Dược sĩ sẽ phải tìm loại kháng sinh phù hợp để chống lại. Trong số các thẻ bài, có các nhóm người lớn, thai phụ và trẻ nhỏ, là các bệnh nhân cần được bảo vệ. Khi dùng kháng sinh, phe Dược sĩ sẽ phải lưu ý chống chỉ định cho phù hợp, an toàn. Trong mỗi lá bài, Anh Khoa còn đưa vào hình ảnh minh họa và các yếu tố như tên nhóm kháng sinh, tên thuốc hoặc nhóm nhỏ kháng sinh, phổ tác dụng, tác dụng phụ hay dạng bào chế. Muốn chiến thắng trong trò chơi này, người chơi phải thông thuộc các loại kháng sinh, vi khuẩn, cách dùng… Đây cũng là mục đích trò chơi, vừa chơi mà cũng vừa học.

Đào Anh Khoa cho biết: Poison board game có thể được sử dụng như một công cụ học tập hiệu quả, giúp cải thiện khả năng ghi nhớ, rèn luyện các kỹ năng mềm. Ngoài ra, đây cũng là trò chơi lý thú, giúp giảm căng thẳng và tạo ra môi trường giao lưu xã hội tích cực. Poison board game được Đào Anh Khoa hoàn thành vào ngày 28-3-2024, với sự hướng dẫn của PGS.TS Phạm Thành Suôl và PGS.TS Nguyễn Phục Hưng (Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ). Poison board game đã được khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên, với kết quả là hầu hết người được khảo sát đều đánh giá rất cao trò chơi này. Đó là bởi vì tên thuốc, tên nhóm kháng sinh và cách dùng rất phức tạp, khó nhớ, nhưng thông qua trò chơi này, việc ghi nhớ kiến thức về kháng sinh trở nên dễ dàng hơn.

Với Poison board game, Đào Anh Khoa không chỉ giúp người học ngành Dược hay Y Dược, mà cả người không có chuyên môn cũng có thể vừa chơi, vừa học kiến thức về kháng sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Phục Hưng, điều này rất ý nghĩa trong bối cảnh lạm dụng thuốc kháng sinh và tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ở mức báo động trên toàn cầu. Việc sử dụng thuốc kháng sinh phải đảm bảo nguyên tắc được bác sĩ kê đơn, uống đúng thuốc và đủ liều. Do vậy, thông qua trò chơi này, kiến thức về kháng sinh sẽ được phổ quát hơn. PGS.TS Phạm Thành Suôl thì đánh giá: “Dự án của Khoa hướng đến việc phổ biến kiến thức không chỉ cho sinh viên ngành Y Dược mà còn cho cộng đồng. Điều này cho thấy tầm nhìn xa và sự nhạy bén của Khoa trong việc kết hợp giáo dục và giải trí”.

Poison board game cũng là dự án khởi ngiệp của Đào Anh Khoa, đã được anh sản xuất để bán ra thị trường. Anh cũng đang nuôi nấng ý tưởng chuyển đổi board game này thành trò chơi điện tử thông qua phần mềm trên điện thoại, thực hiện truyện tranh, đồng thời mở rộng chủ đề về y tế, ngoài kháng sinh. Nói về “Poison - board game giáo dục về kháng sinh”, Đào Anh Khoa nhấn mạnh: “Phải có vi khuẩn mới dùng kháng sinh. Poison nghĩa là thuốc độc, với thông điệp gửi gắm qua board game này là kháng sinh là thuốc, mà thuốc là hàng hóa đặc biệt. Thuốc giúp điều trị bệnh, nhưng đồng thời cũng có thể trở thành thuốc độc nếu dùng một cách không an toàn, không hợp lý”.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết