04/01/2022 - 08:06

Năm khó khăn của phim nhạc kịch 

Trong khi các dòng phim hành động, siêu anh hùng đang có những chuyển biến tốt về phòng vé thì phim nhạc kịch đang gặp nhiều khó khăn. COVID-19 là một trong những nguyên nhân tác động thêm vào thực tế thoái trào của dòng phim này.

Cảnh phim “Tick Tick Boom!”.

Chiến thắng của “Chicago” với Tượng vàng Phim hay nhất Oscar năm 2002 đã giúp phim nhạc hồi sinh và lên ngôi, sau gần hai thập kỷ thể loại này không xuất hiện tại rạp. Thành công của “Chicago” thu hút nhiều nhà sản xuất, nhà làm phim đầu tư cho dòng phim nhạc kịch, với sự ra đời của hàng loạt tác phẩm: “The Greatest Showman”, “Les Misérables”, “Nine, Rock of Ages”, “The Prom”,  “Cats”… Tại rạp chiếu, các phim này có khán giả và mang về lợi nhuận. Dù đầu tư phim nhạc kịch thường tốn kém nhiều cho dựng cảnh, nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn làm dòng phim này bởi nội dung có chiều sâu và mỗi năm có không ít tác phẩm nhạc kịch lọt vào vòng đề cử của Oscar. Tuy nhiên điều đó đang dần thay đổi, nhất là trong năm 2021.

Mở đầu là tác phẩm “West Side Story” vốn được đánh giá rất cao của đạo diễn gạo cội Steven Spielberg, có kinh phí đầu tư 100 triệu USD nhưng đến nay chỉ thu về khoảng 38,5 triệu USD. Trong khi đó, hai tác phẩm “In the Heights” và “Dear Evan Hansen” đều vướng phải những vấn đề về diễn viên khiến phim bị khán giả quay lưng khi ra rạp. “Tick Tick Boom!” là tác phẩm duy nhất năm nay được chú ý, khi có mặt trong danh sách đề cử Quả cầu vàng 2022 ở hạng mục Phim xuất sắc nhất. “Tick Tick Boom!” cũng đã được phát hành tại rạp và trên hệ thống trực tuyến, tuy nhiên cũng không có nhiều phản hồi dành cho phim.

Tờ The Guardian nhận định và phân tích: “Năm 2021 có thể xem là năm thảm họa đối với thể loại phim nhạc kịch/ca vũ kịch. Thể loại này vốn mang đến trải nghiệm tuyệt vời khi kết hợp nội dung hay, dàn dựng công phu, diễn viên dày công diễn xuất, vũ đạo phong phú. Thể loại này vốn đã kén người xem, trong mùa dịch khán giả lại ngại đến rạp. Nếu đến, họ chỉ ưu tiên các phim dễ xem”. Từ đó có thể thấy xu hướng xem phim của khán giả đã thay đổi do tác động của dịch bệnh là một trong những nguyên nhân gây thất bại phòng vé của các phim nhạc kịch. Khán giả chỉ cất công đến rạp để thưởng thức các dòng phim thương hiệu vốn đã được yêu thích từ trước, như: “Venom: Let There Be Carnage”, “A Quiet Place Part II”, “Fast and Furious”, “Eternals”, “Spider-Man: No Way Home”…

Có một sự thật là những phim này đều có dàn sao hạng A và nhiều tên tuổi nổi tiếng. Trong khi đó, các phim nhạc kịch như: “In the Heights”, “Dear Evan Hansen”, “West Side Story” dù do những đạo diễn lừng danh chỉ đạo, nhưng lại không có diễn xuất của những ngôi sao bảo chứng phòng vé. Ðiều này cũng lý giải một phần việc phim nhạc kịch thiếu sức hút với khán giả. Dẫn chứng là những phim chiếu rạp thông thường như: “Free Guy” hay “Jungle Cruise” đều bị phê bình về nội dung nhưng đổi lại có dàn sao hạng A, nên vẫn mang về doanh thu tốt. “Free Guy” có 326 triệu USD, còn “Jungle Cruise” có 221 triệu USD.

Như vậy, phim nhạc kịch thất bại một phần từ nguyên nhân khách quan là dịch bệnh, nhưng sâu xa chính là thiếu chiến lược đầu tư phù hợp, không nắm bắt kịp xu hướng của khán giả.l

BẢO LAM (Tổng hợp từ Guardian, Variety)

Chia sẻ bài viết