30/08/2011 - 09:55

Năm học mới, lại lo thiếu giáo viên

Bước vào năm học mới 2011-2012, bên cạnh những nỗi lo về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, lo 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ tập vở) cho học sinh đến trường…, một số trường trên địa bàn thành phố còn thêm nỗi lo thiếu giáo viên, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học…

Năm học 2011-2012, Trường Tiểu học Trung Thạnh 1, huyện Cờ Đỏ có 16 lớp nhưng chỉ có 13 giáo viên dạy các môn văn hóa (gọi tắt là giáo viên phổ thông). Thầy Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thạnh 1, cho biết: “Hè 2011, trường có 2 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ; trong khi đó, năm học 2011-2012, số lượng học sinh vào lớp 1 của trường tăng thêm 1 lớp, nên trường thiếu 3 giáo viên phổ thông chủ nhiệm lớp”. Trong khi chờ đợi ngành giáo dục huyện điều động giáo viên, trường đã linh động phân công giáo viên dạy lớp 3 phụ trách thêm lớp 2; phân công thầy khối trưởng khối 4 phụ trách 2 lớp 4; phân công một giáo viên đang dạy lớp 5 phụ trách thêm một lớp 5. Thầy Tùng nói thêm: “Cả 3 giáo viên được phân công dạy thêm một lớp đều là những giáo viên giỏi nên trường cũng an tâm về chất lượng”.

Học sinh lớp 5A2 của Trường Tiểu học Trung Thạnh 1, huyện Cờ Đỏ trong giờ học thể dục. Lớp học này hiện chưa có giáo viên dạy phổ thông, trường đang điều động một giáo viên khác phụ trách thêm lớp học này. 

Tình trạng thiếu giáo viên cũng là nỗi lo của Trường Tiểu học Thạnh Lộc 2, huyện Vĩnh Thạnh. Năm học 2010-2011, Trường Tiểu học Thạnh Lộc 2 thiếu đến 7 giáo viên chủ nhiệm lớp, sang đầu năm học 2011-2012, trường còn thiếu 5 giáo viên. Tương tự Trường Tiểu học Thạnh Lộc 1 cũng thiếu đến 3 giáo viên phổ thông. Ông Nguyễn Văn Đan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Lộc 1, cho biết: “Ngành vừa mới điều một giáo viên từ trường khác về, nhưng trường cũng có một giáo viên vừa nhận quyết định nghỉ hưu vào tháng 10-2011. Như vậy, trường sẽ tiếp tục thiếu 3 giáo viên trong năm học 2011-2012”. Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Vĩnh Thạnh, nguyên nhân thiếu giáo viên ở xã Thạnh Lộc là do giáo viên nghỉ hưu, một số giáo viên từ nơi khác đến đủ điều kiện thuyên chuyển đã chuyển về địa phương mình công tác... Hiện nay, huyện Vĩnh Thạnh đang thiếu khoảng 40 giáo viên phổ thông bậc tiểu học. Trong khi đó, bậc tiểu học ở huyện Cờ Đỏ thiếu 16 giáo viên phổ thông. Còn quận Cái Răng cũng thiếu khoảng 10 giáo viên phổ thông bậc tiểu học...

Không chỉ thiếu giáo viên tiểu học, hầu hết các quận, huyện đều thiếu giáo viên mầm non. Chẳng hạn, đầu năm học 2011-2012, huyện Cờ Đỏ còn thiếu 49 giáo viên mầm non, huyện Vĩnh Thạnh cũng thiếu 31 giáo viên mầm non. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non cũng xảy ra ở các quận trung tâm thành phố. Như ở quận Cái Răng, đầu năm học này cũng còn thiếu khoảng 10 giáo viên mầm non; quận Ô Môn cũng thiếu khoảng 70 giáo viên mầm non...

Ngoài việc thiếu giáo viên phổ thông, nhiều năm qua các huyện vùng ven thành phố còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Thầy Đặng Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thạnh 1, huyện Cờ Đỏ, nói: “Chúng tôi đã xin một giáo viên tiếng Anh nhiều năm qua nhưng chưa được. Trường có ý định hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh, nhưng cũng không có nguồn”. Còn thầy Nguyễn Văn Đan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Lộc 1, cho biết: “Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh yêu cầu trường tổ chức dạy tiếng Anh cho các em vì lo các em không theo kịp bạn bè khi lên THCS. Đây là yêu cầu chính đáng của phụ huynh nhưng trường gặp khó do không có giáo viên”.

Việc thiếu giáo viên sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc triển khai các nội dung chương trình năm học mới. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT quy định không cho giáo viên kê qui mô quá 200 tiết/ năm học, nên các trường không thể để giáo viên dạy 2 lớp suốt cả năm học. Trong khi đó, nếu chuyển lớp cho giáo viên khác dạy, thì thiếu tính liên tục, giáo viên khó theo sát học sinh... Thầy Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cờ Đỏ, nói: “Hầu như giáo viên dạy các trường vùng ven, xa trung tâm thành phố không có khoản trợ cấp nào khác giáo viên dạy các trường ở trung tâm thành phố nên khó thu hút giáo viên”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Liếng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Địa phương cố gắng tạo điều kiện chỗ ở cho giáo viên ở xa, nhưng không thể lo thêm các nguồn khác để hỗ trợ, nên không ít giáo viên đến tìm hiểu rồi không ở lại”.

Có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, ngành giáo dục TP Cần Thơ thực hiện tốt công tác đào tạo đội ngũ giáo viên. Nếu như trước đây, toàn ngành thiếu hàng trăm giáo viên ở tất cả các cấp học thì hiện tại, bậc học THCS, THPT đã tương đối ổn định. Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu là ở bậc mầm non và tiểu học. Nguyên nhân thiếu ở bậc mầm non là do thành phố đang thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, cần rất nhiều giáo viên mầm non từ nay đến năm 2015. Số lượng giáo viên dạy phổ thông ở bậc tiểu học thiếu là do số lượng giáo viên nghỉ hưu hằng năm... Hiện nay, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đang tiến hành rà soát tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các quận, huyện để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương. Song song đó, ngành giáo dục các quận, huyện cũng đang tích cực tiếp tục tuyển giáo viên để kịp thời đưa đến các trường ngay khi khai giảng năm học mới...

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành giáo dục các cấp trong việc chuẩn bị nhân lực đầu năm học. Thế nhưng để tránh tình trạng ráo riết tìm giáo viên khi bước vào năm học mới như hiện nay, ngành giáo dục cần sớm dự báo, có kế hoạch, chiến lược đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho những năm tiếp theo...

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết