20/10/2020 - 09:07

Nắm bắt cơ hội để thoát nghèo 

Bà con khu vực 5, phường Ba Láng, quận Cái Răng, biết chị Võ Thị Loan không chỉ vì sự hiếu thuận, chan hòa với gia đình chồng, mà còn do quá trình nỗ lực vượt khó, thoát nghèo, từng bước vươn lên khấm khá. Chị Loan bộc bạch: “Nhờ cán bộ Hội Phụ nữ giới thiệu vay vốn và khích lệ tinh thần, tôi càng vững tin bước tiếp”.

Chị Loan sắp xếp, trưng bày các mặt hàng thực phẩm tại cửa tiệm tạp hóa.

Gia cảnh nghèo, đông anh em, nên chị Loan nghỉ học năm lớp 6. Vốn lanh lẹ, giỏi tính toán, chị Loan phụ mẹ bán tiệm tạp hóa tại nhà (phường Thường Thạnh), rồi đỡ đần nấu cơm, giặt giũ. Năm 19 tuổi, chị Loan về làm dâu nhà chồng ở phường Ba Láng, cũng nghèo khó, đông anh em. Gia đình chồng làm bánh tráng bỏ mối các chợ quê kiếm sống. Chị Loan kể: “Má chồng truyền nghề cho vợ chồng tôi. Má nói chồng tráng bánh, còn tôi “có dang” mua bán nên đi bỏ mối, bán lẻ. Má chồng tôi còn dạy, người phụ nữ trong gia đình phải quán xuyến “tay hòm chìa khóa”, mới mong tương lai các con tươi sáng”.

Giai đoạn khó khăn nhất của vợ chồng chị là lúc vừa nuôi 3 con nhỏ, cha chồng chẳng may bị tai biến, má chồng mắt mờ còn phải chăm sóc chị thứ tư bệnh tâm thần, ngờ nghệch từ nhỏ. Chị Loan rân rấn nước mắt: “Những lúc mệt mỏi, cực nhọc quá, chồng hết lời động viên tôi cố gắng vượt qua. Còn tôi, đạo lý không cho phép tôi buông xuôi, bỏ mặc người nhà, không lo”. Cha mẹ chồng lần lượt qua đời, anh chị tiếp tục mưu sinh nghề tráng bánh để chăm lo chị và các con ăn học đến khi khôn lớn, lập gia đình. Ðể có tiền xoay xở trong ngoài, buổi sáng đi bán bánh, chị Loan tranh thủ bán thêm bột gạo, nhận giúp việc nhà. Ðối với chị Loan, sự hết mực hiếu thảo, sẵn sàng sẻ chia của các con là động lực mạnh mẽ giúp chị vượt qua khó khăn cuộc sống thường nhật.

Năm 2004, chị Loan tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, được gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ với chị em nhiều cách làm hay trong giữ gìn hạnh phúc, dạy dỗ con cái, nhất là kinh nghiệm mua bán. Chị Loan được Hội thiệu vay vốn ưu đãi để mở rộng nghề làm bánh tráng, dành dụm tiền sửa chữa căn nhà bằng cây ván hư hỏng được tươm tất, thoáng mát hơn để các con ổn định chỗ ở. Không chỉ thế, cán bộ Hội gợi ý cách sử dụng vốn, chọn mua bán mặt hàng phù hợp để thêm thu nhập. Năm 2010, chị Loan thoát nghèo, hun đúc niềm tin vươn lên khấm khá.

Năm 2017, con gái “rủ” chị “thử vận” ra chợ Lê Bình, mướn mặt bằng mở quán điểm tâm. Lúc đầu, chị Loan cũng đắn đo, cân nhắc, ngại “lớn thuyền, lớn sóng” trong khi chị thiếu kinh nghiệm mua bán, không nhiều vốn liếng, chồng chị sức khỏe không tốt. Cuối cùng, con gái thuyết phục được vợ chồng chị, thế là cả nhà hợp sức bước vào chặng đường mới, niềm tin mới. Nhờ người quen giới thiệu mặt bằng ưng ý, rộng rãi, giá cả hợp lý, phù hợp kinh doanh quán ăn nên chị bắt tay khai trương ngay. Thời gian đầu, từ 6 giờ, quán chị Loan phục vụ các món điểm tâm, với tiêu chí ngon, rẻ. Chị Loan khéo nấu ăn, nêm nếm vừa miệng, giá bình dân nên quán ngày càng đông. Thế là chị mạnh dạn nấu và bán cơm phần buổi trưa, phục vụ lực lượng công nhân, lao động quanh vùng. Chị bán cơm với giá bình dân 20.000 đồng/phần, gồm 3 món “bao no”; đồng thời thực đơn được chị thay đổi hằng ngày, trong đó, có món “độc chiêu” thịt kho trứng với nước dừa… Mỗi bữa trưa, chị Loan nấu 5 nồi cơm (25 lon gạo/nồi). Bận rộn từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, chị Loan cắt đặt mỗi người mỗi việc để không bị động.

Em Huỳnh Thị Huệ, con gái chị Loan, kể: “Mẹ sắp xếp, bày biện công việc bài bản, tụi tôi cứ thoải mái làm theo mà không hề thấy nhàm chán. Sự nhanh nhạy của mẹ khiến tụi tôi phải “chạy” để theo kịp”. Từ 5 giờ chiều, quán chị Loan còn phục vụ cơm dĩa bình dân đến hơn 10 giờ tối. Chị Loan cho biết, mỗi ngày trừ các chi phí, chị lời từ 350.000 đồng, chưa kể những dịch vụ giải khát “ăn theo” như: nước mía, nước dừa, nước ép… Năm 2019, chị Loan đầu tư mở thêm cửa tiệm tạp hóa với đa dạng mặt hàng. Chị nói: “Ðiều tôi tâm đắc nhất là muốn thành công, cần chọn việc phù hợp khả năng và đưa ra quyết định đúng thời điểm. Qua đó, tôi muốn cháu con hiểu giá trị của lao động cũng như niềm tin cuộc sống tốt đẹp”.  

Chị Nguyễn Thị Thanh Ðào, Chủ tịch Hội LHPN phường Ba Láng, nói: “Ðối với ai từng biết chị Loan từ những nỗ lực mấy mươi năm qua mới thấm thía ý nghĩa của ý chí và niềm tin. Là trụ cột gia đình, chị Loan phấn đấu vượt khó, chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, nhất là biết nắm bắt cơ hội, tìm hướng đi mới phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Chị Loan là tấm gương phụ nữ cần cù, thương khó, bền bỉ vun vén hạnh phúc gia đình”.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết