Tình trạng nhiệt độ hành tinh gia tăng vượt mức kỷ lục trong năm ngoái đã khiến 2014 trở thành năm nóng nhất trong hơn một thế kỷ qua và làm gia tăng thêm những quan ngại mới về tình trạng nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học chính phủ Mỹ cho biết hôm 16-1.
Viện Khí tượng và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cùng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đều tính toán rằng trong năm 2014 là năm thế giới chứng kiến năm có nhiệt độ nóng nhất kể từ khi các cơ quan Mỹ ghi nhận nhiệt độ toàn cầu cách đây 135 năm. Theo ghi nhận của NOAA, nhiệt độ trung bình được ghi nhận vào năm ngoái là 14,58 độ C, cao hơn 0,69 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Trong khi đó, NASA cho biết mức nhiệt độ trung bình của năm 2014 là 14,68 độ C, cao hơn 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình của giai đoạn 1951-1980. Cũng theo kết quả nghiên cứu, ngoại trừ năm 1998, thì 10 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra từ năm 2000 trở lại đây.

Một đáy sông nứt nẻ vì hạn hán tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Theo NOAA và NASA, những khu vực có nhiệt độ nóng kỷ lục trên thế giới bao gồm Nga, miền Tây Alaska, miền Tây nước Mỹ, các vùng nội địa ở Nam Mỹ, các khu vực phía Đông và phía Tây duyên hải nước Úc, Bắc Phi và hầu hết châu Âu, trong đó nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục hồi mùa hè vừa qua dù không xảy ra El Nino - hiện tượng khí hậu khiến bề mặt Trái đất nóng lên. "Mỗi châu lục đều chịu một số ảnh hưởng của tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục trong năm 2014" - Giám đốc NOAA Tom Karl nhận xét.
Ông Jonathan Overpeck, nhà khoa học về khí tượng tại Đại học Arizona đánh giá "kết quả nghiên cứu cho thấy khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra, chủ yếu bắt nguồn từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, đang vượt quá khả năng chịu đựng của Trái đất và sẽ khiến nhiệt độ ngày càng tăng". Theo nhà khoa học thuộc Đại học Columbia Radley Horton, ảnh hưởng của tình trạng Trái đất ấm lên là mực nước biển dâng cao và nhanh hơn, băng tại hai cực tan nhanh (đặc biệt ở Bắc Cực), khiến nhiều bờ biển thường xuyên bị nhấn chìm.
2014 cũng là năm "kỷ lục" về số lượng các báo cáo biến đổi khí hậu, trong đó có báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu trực thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Đánh giá khí hậu quốc gia của chính phủ Mỹ. Cả hai báo cáo này đều sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất khẳng định biến đổi khí hậu đang là mối đe họa hiện hữu và trực tiếp đối với thế giới. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ, ít nhất 95% khả năng cho thấy chính các hoạt động của con người, chứ không phải những biến đổi tự nhiên trong khí hậu, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiệt độ Trái Đất ngày càng tăng.
Những báo cáo nghiên cứu về khí hậu được công bố trong bối cảnh nhiều khả năng thế giới sẽ được chứng kiến "bước đi lớn tiếp theo trong hành động chống biến đổi khí hậu" tại hội nghị LHQ về biến đổi Khí hậu dự kiến diễn ra vào tháng 12-2015 tại Thủ đô Paris của Pháp. Mục tiêu chính của hội nghị sắp tới là các nước sẽ ký một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ trong năm 2014 đã công bố kế hoạch năng lượng sạch, trong đó đề ra mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải carbon dioxide của các nhà máy điện trước năm 2030.
ĐÔNG PHONG (Theo AFP, AP, Reuters, TTXVN)