03/09/2019 - 18:28

Mỹ, Trung so kè ở Nam Thái Bình Dương 

Thông tin Quần đảo Solomon có thể chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc đang khiến nhiều người quan ngại khu vực Nam Thái Bình Dương tiếp tục bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Không quân Mỹ, Úc và lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham dự cuộc tập trận Cope North Guam 2019. Ảnh: U.S. Air Force

Quần đảo Solomon là một trong 6 quốc gia Thái Bình Dương và 17 quốc gia trên thế giới công nhận chính quyền Đài Loan. Nhưng trong tín hiệu “hướng về Bắc Kinh”, Reuters dẫn nguồn tin ẩn danh tiết lộ Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã thành lập nhóm cố vấn đánh giá quan hệ ngoại giao với Đài Bắc sau 36 năm. Nhóm này vừa trở về sau chuyến công du tới các quốc gia đồng minh của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương và sẽ sớm đưa ra đề xuất về vấn đề Đài Loan. Ngay sau chuyến đi nói trên, phái đoàn gồm tám bộ trưởng và thư ký riêng của Thủ tướng Solomon tiếp tục được cử sang thăm Bắc Kinh với mục đích được cho là nhằm thảo luận việc chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ chính thức với cường quốc châu Á. Tuy chưa có thông tin chắc chắn, nhưng một nhà lập pháp Solomon cho biết nhóm cố vấn đều nghiêng về Bắc Kinh. 

Khu vực Thái Bình Dương được ví như “thành trì” ngoại giao của Đài Loan khi các quốc đảo ở đây chiếm 1/3 trong tổng số các nước công nhận vùng lãnh thổ này. Do đó, khả năng Solomon chuyển quan hệ ngoại giao chính thức sang Trung Quốc sẽ là đòn giáng mạnh vào sự hiện diện của Đài Loan trong khu vực. Tuy vậy, chuyên gia Viện Lowy Jonathan Pryke dự đoán diễn biến này sẽ không tạo ra “hiệu ứng domino”. Thay vào đó, tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực mới là vấn đề gây quan ngại, thậm chí châm ngòi cho “sàn đấu” giữa Bắc Kinh với Washington và các đồng minh ở Nam Thái Bình Dương.

Trước giờ Mỹ vẫn duy trì quyền tiếp cận quân sự độc quyền tại Nam Thái Bình Dương thông qua căn cứ trên đảo Guam và thỏa thuận an ninh với các đảo quốc Micronesia, Marshall và Palau. Nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại hàng đầu và nhà viện trợ chính cho hầu hết các nước trong khu vực. Từ các dự án cơ sở hạ tầng đến chương trình viện trợ, quan ngại của Mỹ và các đồng minh trước ảnh hưởng của Bắc Kinh không dừng lại sau khi nhiều nước “xoay trục” quan hệ từ Đài Loan sang Trung Quốc.

Trong một tuyên bố mạnh mẽ hiếm thấy, Nhà Trắng năm ngoái đã chỉ trích El Salvador và đánh giá lại mối quan hệ với quốc gia Trung Mỹ sau khi nước này quyết định quay lưng với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Tỏ rõ quan ngại sau các báo cáo về tham vọng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Micronesia tháng rồi cũng khẳng định thỏa thuận an ninh với Micronesia, Marshall và Palau là điều kiện duy trì nền dân chủ trước nỗ lực của Trung Quốc “hòng định hình lại khu vực Thái Bình Dương”. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Washington đang tiếp tục tìm kiếm các giải pháp bao gồm thiết lập căn cứ quân sự mới nhằm củng cố sức mạnh Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Adam Ni, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Macquarie (Úc), cho rằng Washington sở dĩ nâng cao cảnh giác là vì sự hiện diện của Bắc Kinh tại Nam Thái Bình Dương sẽ làm giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Chia sẻ lo lắng này còn có đồng minh Úc. Trong bối cảnh đó, nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman dự đoán Úc cùng với Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn hoặc ít nhất kiềm chế ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc đối với các nước Thái Bình Dương.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết