19/10/2013 - 21:58

Mỹ, Trung Quốc và những “Con đường tơ lụa”

Ông Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong chuyến thăm Jakarta đầu tháng 10 vừa qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành hầu hết thời gian của mình trong nhiều tháng qua để thúc đẩy ý tưởng thiết lập hai "Con đường tơ lụa" mới nhằm kết nối Trung Quốc với các nguồn cung ứng năng lượng, một bằng đường bộ và một bằng đường biển.

Tại khu vực Trung Á, ông Tập Cận Bình đang tận dụng sự suy giảm ảnh hưởng của Nga và sự kiện Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. "Trung Quốc đang thực hiện một bước đi khá táo bạo. Ông Tập Cận Bình đã nhìn thấy những cơ hội phát triển rất lớn trong lĩnh vực thương mại và kinh tế mà Mỹ đã không tận dụng được" - Chris Johnson, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết.

Nhằm tăng cường vị thế của Trung Quốc, ông Tập hồi tháng 9 đã có chuyến công du đến Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Uzbekistan và ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá hàng chục tỉ USD tại khu vực này, trong đó có việc nắm giữ cổ phần chi phối tại một mỏ dầu ở Kazakhstan và mở rộng nhập khẩu khí đốt từ Turkmenistan. Tại Thủ đô Astana của Kazakhstan nơi mà hai bên ký kết các hợp đồng trị giá tới 30 tỉ USD, ông Tập đã đề nghị thành lập một "vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" để thúc đẩy thương mại, liên kết giao thông cũng như tăng cường phối hợp chính sách khu vực từ Thái Bình Dương đến biển Baltic. Ông cũng không quên nhắc lại chuyện đặc sứ của triều đình nhà Hán là Trương Khiên từng nhiều lần tới Kazakhstan cách đây hơn 2.100 năm. Ngoài việc bảo đảm nguồn cung năng lượng, Trung Quốc còn tin rằng "Con đường tơ lụa mới" sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa từ các tỉnh phía Tây của họ ngang qua Trung Á. Hiện Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của 4 trong số 5 quốc gia Trung Á.

Theo Washington Post, ông Tập là nguyên thủ Trung Quốc thứ ba liên tiếp thăm Trung Á, khu vực mà chưa Tổng thống Mỹ nào đặt chân đến.

Đồng thời, ông Tập cũng hướng tầm nhìn về khu vực Đông Nam Á, và tận dụng triệt để việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vì bận giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước không tới dự các hội nghị quan trọng ở khu vực hồi thượng tuần tháng 10. Mới đây, ông đã có chuyến công du Malaysia và Indonesia, ký kết nhiều thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỉ USD, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng. Phần lớn lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi ngang Eo biển Malacca, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới và nằm giữa hai nước này cùng Singapore. Cũng như ở Trung Á, ông Tập đã nhắc lại chuyện nhà thám hiểm Trịnh Hòa từng tới đây 7 lần hồi thế kỷ 15 và đề xuất xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển". Tuy nhiên, nỗ lực này của Trung Quốc gặp khó do những tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với một số nước láng giềng, đặc biệt là Philippines. Gần đây, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật, từ hăm he sang ký kết các thỏa thuận kinh tế và cho vay lãi suất thấp để gây ảnh hưởng lên khu vực, chuyên gia Johnson nhận định.

Nhưng theo chuyên gia Zhang Mingliang tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Tế Nam (Trung Quốc), "Ảnh hưởng của Trung Quốc (ở Đông Nam Á) tăng nhanh hơn Mỹ trong những năm gần đây, nhưng không thể mạnh bằng Mỹ. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ Mỹ tăng cường sự hiện diện ở khu vực".

TRÍ VĂN (Theo Washington Post)

Cách đây hai năm, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã lần đầu tiên đề xuất mở "Con đường tơ lụa mới" nhằm kết nối Trung Á và Nam Á với Afghanistan là trung tâm. Theo đó, một mạng lưới các kết nối thương mại và giao thông sẽ được xây dựng, kéo dài từ Trung Á tới cực Nam của Ấn Độ.

 

Chia sẻ bài viết