08/10/2023 - 08:24

Mỹ, Trung kết thúc nửa thế kỷ “ngoại giao gấu trúc”? 

Kể từ thời nhà Đường (giai đoạn 618-907), Trung Quốc đã tặng hoặc cho các nước khác mượn gấu trúc. Truyền thống tốt đẹp đó vẫn tiếp diễn cho đến thế kỷ này và thường được gọi là “ngoại giao gấu trúc”. Tuy nhiên, hiện nay nhiều “bảo vật quốc gia” này của Trung Quốc đã và sẽ lần lượt được đưa về nước, trong đó có những gấu trúc tại Mỹ.

Gấu trúc được xem là “bảo vật quốc gia” của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Sở thú Quốc gia của Viện Smithsonian ở thủ đô Washington D.C gần đây thông báo, bộ ba gấu trúc Tian Tian, Mei Xiang và Xiao Qi Ji sẽ hồi hương vào ngày 7-12 tới, khi thỏa thuận kéo dài 3 năm giữa sở thú Mỹ với Hiệp hội Bảo tồn Đời sống Hoang dã Trung Quốc chấm dứt. Các gấu trúc này đã ở đây hơn 20 năm qua. Theo thông lệ, Viện Smithsonian, tổ chức vận hành sở thú quốc gia của Mỹ, tiếp tục thỏa thuận “mượn” gấu trúc mỗi khi đến hạn. Tuy nhiên, năm nay, giới chức xứ cờ hoa buộc phải thừa nhận nỗ lực này đã thất bại.

Trước đó, các sở thú ở thành phố Memphis (bang Tennessee) và thành phố San Diego (bang California) đã trả gấu trúc cho Trung Quốc. Sau khi đến lượt bộ ba gấu trúc ở Sở thú Quốc gia về nước, Mỹ chỉ còn lại sở thú ở Atlanta là có gấu trúc, trước khi gấu trúc ở đây hồi hương vào năm 2024.

Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao Trung Quốc không tiếp tục ký lại thỏa thuận cho Mỹ mượn gấu trúc. Tuy nhiên, giới phân tích suy đoán việc Trung Quốc cho gấu trúc hồi hương có thể không chỉ là do thỏa thuận cho mượn gấu trúc hết hạn. “Với tình hình hiện tại của mối quan hệ Mỹ - Trung, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc cho phép thỏa thuận mượn gấu trúc với các sở thú Mỹ chấm dứt” - Kurt Tong, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Asia Group nói.

Nếu việc những gấu trúc tại Mỹ hồi hương xuất phát từ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa 2 nước thì đây không phải là lần đầu gấu trúc phản ánh những căng thẳng chính trị giữa Washington và Bắc Kinh. Trước đó, những con gấu trúc được giao đến Mỹ hồi năm 2010 đã được gửi lại Trung Quốc sau khi Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama có cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Tây Tạng sống lưu vong.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì năm 2024 đánh dấu lần đầu trong hơn nửa thế kỷ Mỹ không có gấu trúc. Dù vậy, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất buộc phải hoàn trả toàn bộ gấu trúc cho Trung Quốc, bởi những chú gấu trúc từ Scotland và Úc cũng sẽ được đưa về nước vào cuối năm nay. Trên thực tế, toàn bộ gấu trúc, bao gồm các cá thể sinh ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, vẫn được xem là tài sản của quốc gia Đông Á này.

“Ngoại giao gấu trúc” giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu năm 1972 khi Bắc Kinh gửi 2 gấu trúc con sang Mỹ dưới thời chính quyền cố Tổng thống Richard Nixon. Đây là cử chỉ thiện chí nhằm kỷ niệm chuyến thăm Trung Quốc của ông Nixon vào tháng 2 cùng năm. Tuy nhiên, đến năm 1984, chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc đã thay đổi. Những con gấu trúc không còn được tặng làm quà nữa mà thay vào đó chúng được cho mượn trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn. Động thái này cho phép Trung Quốc tiếp tục quảng bá hình ảnh ở nước ngoài cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và các nước nhận gấu trúc. Đổi lại, các nước sẽ phải trả khoản phí hàng năm tương đương 1 triệu USD/con gấu trúc.

Hiện Trung Quốc cho 19 nước mượn 65 gấu trúc thông qua các “chương trình nghiên cứu hợp tác”. Những con gấu trúc này sẽ trở về Trung Quốc khi chúng già đi hoặc bất kỳ gấu trúc con nào được sinh ra đều được gửi về Trung Quốc khi chúng đạt 3 hoặc 4 tuổi. Song, các chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) trong một nghiên cứu về “ngoại giao gấu trúc” nhận thấy rằng Trung Quốc chỉ cho các nước mà Bắc Kinh có quan hệ thương mại mượn gấu trúc. “Tại sao sở thú Edinburgh (Scotland) có gấu trúc trong khi sở thú Luân Đôn (Anh) thì không? Có lẽ là vì Scotland có nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc muốn khai thác” - chuyên gia Kathleen Buckingham đặt nghi vấn.

Được biết, những chú gấu trúc được Trung Quốc gửi đến Scotland vào năm 2011 sau khi 2 bên ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết