22/05/2022 - 14:27

Mỹ, Trung chạy đua khai khoáng Mặt trăng 

Giống như trong thời đại Sputnik và Apollo cách đây hơn nửa thế kỷ, các nhà lãnh đạo thế giới một lần nữa chạy đua để thống lĩnh không gian. Song, điểm khác biệt là trong quá khứ Mỹ và Liên Xô từng đưa ra bộ quy tắc chung tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), ngày nay các siêu cường hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Mỹ đã không thể thống nhất nguyên tắc cơ bản để quản lý hoạt động trên vũ trụ.

Giới phân tích cho rằng việc Washington và Bắc Kinh thiếu hợp tác trong thám hiểm không gian là đặc biệt nguy hiểm trong thời đại mà vũ trụ ngày càng trở nên đông đúc. Các tỉ phú như Elon Musk hay Jeff Bezos cùng với các quốc gia mới nổi trong lĩnh vực này như Rwanda và Philippines đang phóng ngày càng nhiều vệ tinh để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và khám phá các cơ hội thương mại. Và việc 2 “ông lớn” Mỹ - Trung không có tiếng nói chung trong không gian không chỉ dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mà còn tạo ra xung đột về việc khai thác nguồn tài nguyên trị giá hàng trăm tỉ USD trên Mặt trăng và những nơi khác.

Phi hành gia Trung Quốc Trác Chí Cương rời tàu vũ trụ Thần Châu-13 sau khi dành 6 tháng trên quỹ đạo. 

“Rủi ro lớn nhất là việc có 2 bộ quy tắc trái ngược nhau” - Malcolm Davis, nhà nghiên cứu chính sách về không gian tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định. Ông Davis dự đoán, Trung Quốc vào những năm 2030 sẽ tuyên bố sở hữu nguồn tài nguyên trên Mặt trăng, giống như cách mà Bắc Kinh từng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Ðông.

Theo tờ Bloomberg, trung tâm của cuộc tranh chấp trong không gian giữa Mỹ và Trung Quốc là Hiệp định Artemis do Washington soạn thảo. Ðó là bộ nguyên tắc không ràng buộc về mặt pháp lý để điều chỉnh hoạt động trên Mặt trăng, sao Hỏa...Sáng kiến này là nền tảng cho nỗ lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm đưa các phi hành gia lên Mặt trăng trong thập niên này và bắt đầu các hoạt động khai khoáng tại đây. Cho đến nay, 19 quốc gia đã đồng ý ủng hộ hiệp định là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden này nhằm thiết lập “bộ tiêu chuẩn rộng rãi và toàn diện” cho không gian, gồm Romania, Colombia, Bahrain và Singapore.

Trung Quốc và Nga đã phản đối hiệp định trên. Hồi đầu tháng 2, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va tuyên bố tăng cường hợp tác trên không gian như là một phần của quan hệ đối tác “không giới hạn” khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm tới Bắc Kinh. Hiện Trung Quốc và Nga đang cùng nhau xúc tiến một dự án trên Mặt trăng gọi là Trạm Nghiên cứu Quốc tế về Mặt trăng (ILRS). Ðể cạnh tranh với Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 3 cho biết Bắc Kinh đã có các cuộc đàm phán với Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia về việc tham gia ILRS. Tuy nhiên, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine có thể sẽ khiến dự án này trở nên kém hấp dẫn đối với một số quốc gia.

Bloomberg cho hay, một trong những vấn đề chính của Trung Quốc đối với Hiệp định Artemis là điều khoản nhằm cho phép các quốc gia chỉ định các “vùng an toàn” trên Mặt trăng - khu vực trên bề mặt Mặt trăng mà các quốc gia khác nên tránh. Ðối với Mỹ và các đối tác của Hiệp định Artemis, các khu vực đặc quyền này là cách để tuân thủ các nghĩa vụ mà hiệp ước quy định, trong đó yêu cầu các nước tránh “sự can thiệp có hại” vào không gian. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, các vùng an toàn này vi phạm luật pháp quốc tế. Tờ Trung Hoa Nhật báo hồi tháng 1 thậm chí còn cho rằng NASA “phát minh” ra các “vùng an toàn” là nhằm cho phép các chính phủ cũng như các công ty “giành” các khu vực trên Mặt trăng.

Thật ra, Trung Quốc có lý do để nghi ngờ những nỗ lực của Mỹ trong không gian. Theo luật pháp Mỹ, kể từ năm 2011, NASA không được hợp tác với các đối tác từ Trung Quốc. Không những vậy, Mỹ còn ngăn Trung Quốc tham gia vào Trạm Vũ trụ Quốc tế, động thái thúc đẩy Bắc Kinh xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình.

Không giống như Trái đất, Mặt trăng có thể chứa lượng lớn heli-3, một đồng vị có khả năng thay thế cho uranium tại các nhà máy điện hạt nhân vì nó không phóng xạ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi năm 2019 còn gọi Mặt trăng là “Vịnh Persic của hệ Mặt trời”, bởi giới chuyên gia còn tin rằng 3 muỗng canh heli-3 có thể thay thế cho 5.000 tấn than. Vào cuối năm 2020, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy nguyên tố này trong đá trên Mặt trăng và đưa trở lại Trái đất. Ngoài ra, nước được lấy từ các cực của Mặt trăng cũng có thể được sử dụng để làm nhiên liệu tên lửa.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết