18/01/2022 - 23:01

Mỹ - Trung cạnh tranh “thăm chị Hằng” 

Cuộc đua vào không gian giữa Mỹ và Trung Quốc chưa chính thức nổ ra, nhưng việc Bắc Kinh tăng tốc chương trình nghiên cứu nhằm đưa người lên Mặt trăng có thể gia tăng căng thẳng chính trị giữa hai cường quốc.

Đồ họa mô phỏng công việc trên Mặt trăng theo chương trình Artemis. Ảnh: NASA

Đồ họa mô phỏng công việc trên Mặt trăng theo chương trình Artemis. Ảnh: NASA

Malcolm Davis, chuyên gia về không gian vũ trụ tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), cho biết Mỹ hiện là quốc gia dẫn đầu về khoa học vũ trụ và cạnh tranh giữa nước này với Trung Quốc vẫn chưa bước vào giai đoạn khốc liệt. Nhưng tình hình có thể thay đổi nếu Washington chậm chân trong các dự án không gian so với Bắc Kinh.

Được biết, kế hoạch ban đầu của Mỹ là trở lại Mặt trăng vào năm 2028 nhằm thiết lập khu định cư của con người trên bề mặt và quỹ đạo Mặt trăng. Năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump đã đẩy nhanh tiến độ với quyết định rút thời hạn xuống vào năm 2024 và đặt tên cho chương trình là Artemis. Nhưng năm ngoái, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson thông báo chuyến hạ cánh đầu tiên của phi hành đoàn Artemis có khả năng diễn ra không sớm hơn năm 2025. Thậm chí, hạn định này không khả thi trong bối cảnh lịch trình bị trì hoãn vì nhiều lý do, từ vấn đề ngân sách, kỹ thuật phức tạp đến tác động của đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, tình trạng phân cực chính trị trong nước có thể khiến Mỹ khó duy trì tiến độ chiến lược không gian. Đây sẽ là cơ hội tốt cho Trung Quốc và Nga thống trị không gian và lập ra các quy tắc mới.

“Cơ hội vàng” cho Trung Quốc

Mục tiêu của Trung Quốc trong năm nay là hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung ở quỹ đạo thấp của Trái đất, sau đó tập trung vào các dự án đưa con người lên Mặt trăng trước năm 2030. Dù chưa có thời gian biểu cụ thể, nhưng kế hoạch của Bắc Kinh trong thập kỷ này là thực hiện 3 chuyến du hành không người lái tới vệ tinh tự nhiên của Trái đất, bao gồm sứ mệnh của tàu đổ bộ Thường Nga 8 vào năm 2027, xác lập nền móng cho Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế hợp tác với Nga, sớm hơn 8 năm so với kế hoạch trước đó.

Năm 2019, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên đưa được phi thuyền lên vùng tối của Mặt trăng và họ có một số lý do để quay lại. Theo chuyên gia Junya Terazono, Bắc Kinh sẽ có uy tín rất lớn nếu đưa được phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng trước Mỹ. Ngoài ra, Mặt trăng rất giàu nguồn Helium-3, Trung Quốc nếu nhanh tay khai thác nguồn tài nguyên này có thể mở ra những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - chính trị so với Mỹ.

Sôi động chuẩn bị cho sự trở lại Mặt trăng của con người

Ngoài Mỹ - Trung, một số quốc gia khác cũng rục rịch kế hoạch khám phá không gian và lấy Mặt trăng làm tâm điểm. Đơn cử như Nhật Bản, chính quyền Tokyo ngoài kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng vào nửa cuối thập niên này còn đang theo dõi sứ mệnh vệ tinh chung có thể thực hiện vào năm 2024 với Ấn Độ nhằm thăm dò vùng cực Nam Mặt trăng. Cuộc đua không gian tại châu Á có thể thêm náo nhiệt khi Hàn Quốc cũng dự định thực hiện sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên trong năm 2022. Ngoài ra, có thông tin Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) năm nay sẽ đưa xe tự hành lên bề mặt Mặt trăng.

Trong cơ chế đa phương, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang hợp tác với NASA, Nhật Bản và Canada để xây dựng trạm Gateway trên quỹ đạo Mặt trăng. Nhóm Bộ tứ với các thành viên Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc năm ngoái cũng mở rộng tầm nhìn sang lĩnh vực không gian. Washington hiện còn dẫn đầu Hiệp định Artemis ký kết với hơn một chục quốc gia khác, tập hợp các nguyên tắc đặt ra cho việc khám phá Mặt trăng có trách nhiệm và minh bạch.

Trong bối cảnh nhiều nước ráo riết “thăm chị Hằng”, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ chương trình không gian bị quân sự hóa ngày càng gia tăng, dẫn tới đối đầu giữa các cường quốc. Đáng ngại hơn là hiện có rất ít công cụ để giải quyết nếu xung đột vũ trụ phát sinh. Tuy Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967 ràng buộc các bên chỉ được khai thác không  gian bên ngoài, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, vì mục đích hòa bình, nhưng nhiều người lo ngại hiệp ước không ngăn được một số quốc gia đưa ra yêu sách lãnh thổ, như đã xảy ra với hệ thống hiệp ước châu Nam Cực.

Apollo 11 là chuyến bay không gian đã hạ cánh cùng con người (hai phi hành gia Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin) đầu tiên đáp xuống Mặt trăng vào ngày 20-7-1969. Armstrong trở thành người đầu tiên bước chân lên bề mặt của Mặt trăng.

MAI QUYÊN (Theo  Nikkei Asia Review)

Chia sẻ bài viết