12/04/2019 - 20:09

Mỹ tranh cãi quanh Lực lượng Không gian 

Kế hoạch thành lập Lực lượng Không gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vấp phải thách thức tại Quốc hội khi giới lập pháp nước này hoài nghi về việc có cần thiết xây dựng thêm một nhánh quân sự với cơ cấu được ví như quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh thiết lập Lực lượng Không gian hồi tháng 2. Ảnh: AP

Tổng thống Trump ký sắc lệnh thiết lập Lực lượng Không gian hồi tháng 2. Ảnh: AP

 Hồi tháng 2, Tổng thống Trump ký chỉ thị bắt đầu tiến trình thành lập Lực lượng Không gian, tách biệt với 5 quân chủng hiện có là Lục quân, Thủy quân lục chiến, Hải quân, Không quân và Tuần duyên. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là quân chủng mới đầu tiên kể từ khi Không quân được thành lập vào năm 1947. Theo ông chủ Nhà Trắng, kế hoạch này là bước đi cần thiết để giải quyết lỗ hổng an ninh, bảo vệ các tài sản của nước Mỹ trong không gian và khẳng định sự thống trị của Washington trên quỹ đạo.

Như đề xuất của Lầu Năm Góc, lực lượng mới trực thuộc Không quân – binh chủng chịu trách nhiệm về lĩnh vực không gian, vũ trụ của quân đội Mỹ hiện nay, tương tự mô hình giữa Hải quân và Thủy quân lục chiến (Thủy quân lục chiến tuy thuộc Hải quân nhưng vẫn có đại diện độc lập trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, có ngân sách và kế hoạch tác chiến riêng). Nếu được thông qua, trụ sở của Lực lượng Không gian sẽ được chọn trong 90 ngày và chính thức hoạt động vào năm 2024. Với kinh phí khoảng 2 tỉ USD, lực lượng mới sẽ do vị tướng 4 sao lãnh đạo và nhân sự khoảng 20.000 người. Nhiệm vụ chính của bộ phận này là tăng cường khả năng phản ứng của Mỹ trước các hoạt động “quân sự hóa” không gian.

Bảo vệ kế hoạch của Tổng thống Trump trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan  khẳng định lập tổ chức quân sự chuyên về không gian là điều không tránh khỏi khi Nga, Trung Quốc xây dựng chương trình vũ trụ hướng tới mục tiêu quân sự, đe dọa tiềm lực của Mỹ. Theo báo cáo trước đó của Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA), hai cường quốc kể trên đang phát triển nhiều vũ khí có thể phá hủy vệ tinh Mỹ.

Năm 2017, đề án quân chủng vũ trụ tuy được Hạ viện thông qua nhưng sau đó bị “khai tử” do vấp phải phản đối quyết liệt tại Thượng viện. Một số quan chức cấp cao Lầu Năm Góc lúc bấy giờ, bao gồm Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford, Bộ trưởng Không quân Heather Wilson và Tham mưu trưởng Không quân David Goldfein, đã lên tiếng phản đối khi cho rằng sáng kiến này tăng gánh nặng hành chính. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong một bức thư còn khẳng định việc lập quân chủng thứ 6 trong quân đội Mỹ là hành động không hợp lý. Nhưng hiện tại, các sĩ quan đang bị thuyết phục về vai trò của quân chủng vũ trụ. Có mặt tại phiên điều trần, người đứng đầu Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten cho biết xây dựng lực lượng như vậy là cần thiết để đối phó sự cạnh tranh quân sự chưa từng có trong không gian.

Tuy đồng ý là cần thay đổi để duy trì sự thống trị của Mỹ trên quỹ đạo, nhưng Đồi Capitol cho biết không thể nhanh chóng hoặc dễ dàng tạo ra một quân chủng hoàn toàn mới. Câu hỏi xuyên suốt trong phiên trần kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ là tổ chức mới sẽ cải thiện điều gì? Kèm theo đó là nghi ngờ liệu điều này có thực sự cần thiết hay không khi đòi hỏi nguồn kinh phí lớn từ ngân sách và gây phức tạp về mặt tổ chức. Theo một số nghị sĩ, bộ phận mới có thể làm phân hóa nhiệm vụ, giảm tính phối hợp giữa các lực lượng trong quân đội.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết