17/07/2020 - 07:30

Mỹ tin Trung Quốc phải “trả giá” vì COVID-19 

Thế giới sẽ nhìn Trung Quốc khác so với trước, thậm chí có thể buộc nước này phải “trả giá” vì đại dịch COVID-19, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh) cảnh báo.

Ảnh: Reuters

Kể từ khi bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối năm ngoái, thế giới đã có hơn 13,7 triệu người nhiễm COVID-19 và 590.000 ca tử vong. Cáo buộc Trung Quốc giấu dịch, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây sức ép lên Bắc Kinh và đe dọa triển khai các biện pháp trừng phạt nếu họ không giải trình đầy đủ những diễn biến dẫn đến tổn thất lớn về kinh tế và mạng sống trên toàn cầu.

Tại một hội nghị trực tuyến hôm 15-7, Ngoại trưởng Pompeo tiếp tục chỉ trích Trung Quốc đang vận hành theo cách gây ra các mối đe dọa thực sự cho cộng đồng quốc tế. “Ở những nơi tôi đến, mọi quan chức tôi đàm thoại đều nhận ra Trung Quốc đã làm gì với thế giới này. Tôi tin chắc quốc tế sẽ có cái nhìn khác về Bắc Kinh và phản ứng với họ không còn giống như trước khi xảy ra thảm họa” - trích nhận định của ông Pompeo.

Cũng tại sự kiện này, Ngoại trưởng Pompeo lần nữa cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bao che Trung Quốc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Hồi đầu tháng 7, Mỹ đã chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO bất chấp cơ quan Liên Hiệp Quốc cử chuyên gia tới Trung Quốc để tìm hiểu nguồn gốc COVID-19. Về động thái này, ông Pompeo dự đoán kết quả điều tra của WHO thế nào cũng “tẩy trắng hoàn toàn” giúp Bắc Kinh. Phán đoán trên được rút ra từ việc theo dõi hành vi của Trung Quốc kể từ lúc dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán và lan ra toàn cầu, ông Pompeo giải thích. Thay vì minh bạch, cởi mở và hợp tác theo đúng trách nhiệm của một quốc gia trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc lại chọn khác đi bằng cách chối bỏ và cậy vào WHO để che giấu đại dịch.

Về phần Mỹ, ông Pompeo nhấn mạnh Washington ở mỗi thời điểm sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng để bảo vệ an ninh quốc gia. Hiện chính quyền Trump duy trì đối thoại với Bắc Kinh, nhưng ông Pompeo cho biết Nhà Trắng không loại trừ khả năng áp trừng phạt nhằm buộc Trung Quốc thay đổi hành vi, đảm bảo mối quan hệ công bằng “có qua có lại”. Chiến lược này đang được phản ánh rõ nét qua những động thái gần đây của Mỹ, bao gồm tuyên bố chấm dứt ưu đãi kinh tế cho Hong Kong và thách thức yêu sách của Trung Quốc trên Biển Ðông. Ðầu tuần này, Tổng thống Trump lần nữa cho biết ông hiện không có kế hoạch thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cũng không quan tâm thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Bắc Kinh.

Chuyên gia Mỹ lạc quan về triển vọng vaccine

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, tin tưởng nước này đến cuối năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu về vaccine ngừa COVID-19. Không bác bỏ ưu thế của Trung Quốc, nhưng ông Fauci không cho rằng Bắc Kinh sẽ về đích đầu tiên trong cuộc đua tìm kiếm vaccine.

Nhận xét trên được đưa ra sau thông báo loại vaccine tiềm năng do Công ty sinh học Moderna hợp tác Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ phát triển đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Tiến sĩ Fauci cho biết kết quả này đặc biệt hứa hẹn vì vaccine dường như tạo ra phản ứng có thể so sánh với sự lây nhiễm tự nhiên. Khi sự bắt chước lây nhiễm tự nhiên kết thúc, nó sẽ tạo ra miễn dịch.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Trump hôm 15-7 đã khiển trách cố vấn thương mại Peter Navarro vì những bình luận “làm suy yếu” nỗ lực của chuyên gia dịch tễ hàng đầu của chính phủ. Trước đó, ông Navarro trong một bài xã luận đã tỏ ra nghi ngờ chuyên môn của Tiến sĩ Fauci trong xử lý đại dịch COVID-19. Vị cố vấn nói rằng Tiến sĩ Fauci có lối cư xử tốt với công chúng nhưng đã sai về mọi thứ mà ông từng tương tác. Trước thông tin này, Nhà Trắng khẳng định ý kiến của cố vấn Navarro không đại diện cho chính quyền trong khi Tổng thống Trump khẳng định có mối quan hệ rất tốt với ông  Fauci.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Hill)

Chia sẻ bài viết