15/03/2019 - 13:16

Mỹ sẽ lập liên minh toàn cầu mới? 

Thay vì đơn phương hành động như hiện nay, các chiến lược gia hàng đầu của Mỹ kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump mở rộng quan hệ hợp tác nếu muốn ngăn Trung Quốc “vi phạm” các quy tắc quốc tế.

Tổng thống Trump  (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11-2017. Ông Trump hôm 13-3 tuyên bố không vội hoàn tất thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.  Ảnh: AP

Cảnh báo đưa ra tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, xem xét cách tiếp cận mới trong kỷ nguyên cạnh tranh với Trung Quốc. Theo các chuyên gia, thay vì đơn phương trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Washington nên tập trung xây dựng liên minh quốc tế mới nhằm gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh chấm dứt những “hành vi sai trái”, điển hình như trộm cắp tài sản trí tuệ, gián điệp mạng, chính sách “bẫy nợ” và quân sự hóa Biển Đông.

Chiến lược gia quân sự chính trị Oriana Mastro thuộc Lực lượng Không quân Trừ bị Mỹ  khẳng định một quốc gia hành động sẽ không đủ sức thay đổi cục diện. Lấy ví dụ cuộc chiến thương mại, bà Mastro nói rằng trong khi Washington nghĩ có thể làm suy yếu quyền lực của Bắc Kinh, thực tế chiến lược này không tạo sức ép đủ lớn buộc Trung Quốc thay đổi sách lược kinh tế khi mà họ có thể lựa chọn tìm hướng giải quyết khác.

Đồng quan điểm, ủy viên Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ -Trung Jim Talent cảnh báo thỏa thuận kinh tế không có khả năng khiến Bắc Kinh thay đổi hành vi. Thay vì nhượng bộ, ông dự đoán Trung Quốc tiếp tục theo đuổi, thậm chí tăng cường những hoạt động mà Washington phản đối trước nay. Đối với diễn biến này, cựu Thượng nghị sĩ bang Missouri cho rằng chính quyền Trump nên thúc đẩy hợp tác đa phương với các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc. Trong đó, Mỹ cần cho thấy Washington sẽ bảo vệ những quốc gia này khỏi bất kỳ hình thức trả đũa nào nếu họ hợp tác và hỗ trợ.

Phiên điều trần hôm 13-3 diễn ra sau khi Bắc Kinh chỉ trích bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc Trung Quốc đang ngăn các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận tài nguyên năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỉ USD ở Biển Đông. Theo bà Mastro, Biển Đông là trung tâm cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, Washington cần tăng cường các hoạt động ngoài những chiến dịch mang tính biểu tượng như tuần tra tự do hàng hải. Bà kêu gọi chính quyền Trump xây dựng tổ chức hoặc liên minh mới gồm những quốc gia đồng quan điểm về hoạt động tuần tra và bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Ngoài tìm kiếm sự hỗ trợ của các đồng minh trên toàn cầu để đối phó Trung Quốc, nhóm chiến lược gia cho rằng Washington cần tăng cường đầu tư lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quan trọng.

Cảnh báo của nhóm chiến lược gia Mỹ đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính quyền Trump hợp tác nếu Washington muốn có thêm đối tác hỗ trợ trong nỗ lực gây sức ép buộc Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc kinh tế toàn cầu. Theo giới phân tích, áp lực của Mỹ lên Trung Quốc đã thúc đẩy EU có lập trường mạnh mẽ hơn đối với cường quốc châu Á. Brussels hôm 12-3 đã công bố một báo cáo, trong đó lần đầu tiên xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, đồng thời yêu cầu lãnh đạo EU ‘’rắn’’  hơn đối với Bắc Kinh trong vấn đề thương mại, công nghệ và địa chiến lược.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết