09/07/2020 - 11:15

Mỹ quyết rời WHO 

Mỹ sẽ chính thức rời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kể từ ngày 6-7-2021, sau hơn 70 năm tham gia, Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa lên tiếng xác nhận sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump có thông báo về quyết định trên.

Trụ sở WHO tại Geneva. Ảnh: NYT

Mỹ là quốc gia thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp, một đặc quyền mà Washington nhấn mạnh trước khi phê chuẩn Hiến chương của WHO. Quyết định có hiệu lực trong vòng một năm kể từ ngày ra thông báo và Washington phải hoàn tất chi trả các khoản đóng góp theo nghị quyết chung năm 1948 của Quốc hội Mỹ. Thông tin trên web của WHO cho biết Mỹ đang nợ hơn 200 triệu USD hội phí.

Là nhà tài trợ lớn nhất, Washington tính riêng năm 2019 đã góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Nhưng từ tháng 4, chính quyền Trump tạm dừng ngân sách hỗ trợ sau cáo buộc WHO không hoàn thành nhiệm vụ cơ bản và “thiên vị” Trung Quốc khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ðến ngày 29-5, Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO do tổ chức này không tiến hành những cải cách “được yêu cầu và rất cần thiết”.

Kể từ khi nhậm chức năm 2017, Tổng thống Trump đã đưa Washington rời khỏi nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran... Nhà Trắng còn giảm tài trợ cho quỹ dân số và cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine. Nhưng trước động thái mới, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho đây là hành vi “thực sự vô cảm” trong bối cảnh WHO đang điều phối cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch. Tuy vậy, vẫn có hy vọng quyết định trên bị đảo ngược trước khi có hiệu lực nếu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Ông Biden tuyên bố sẽ duy trì tư cách thành viên của Mỹ trong WHO nếu đắc cử.

►Lợi bất cập hại

Trả lời Fox News, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định đây là thời điểm thích hợp để Mỹ rút khỏi WHO, rằng tổ chức này khiến thế giới thất vọng và phải gánh hậu quả cho điều đó. Song, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Lamar Alexander không đồng ý cách làm của Nhà Trắng. Theo nghị sĩ đảng Cộng hòa, WHO tuy mắc sai lầm trong đối phó COVID-19 nhưng việc xử lý nên để sau khi cuộc khủng hoảng sức khỏe được giải quyết, chứ không phải lúc đại dịch đang hoành hành.

Ông Alexander còn cảnh báo Mỹ rút khỏi WHO có thể ảnh hưởng nhiệm vụ phối hợp cộng đồng quốc tế ngăn SARS-CoV-2 lây lan, cản trở tiến trình tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19. Ðồng quan điểm, nhiều chuyên gia và quan chức y tế cho biết động thái của chính quyền Trump không chỉ giáng đòn mạnh vào nỗ lực chống dịch của quốc tế mà còn tăng rủi ro cho người dân Mỹ.

Thay vì rút khỏi WHO, ông Alexander đề nghị Nhà Trắng cung cấp cho quốc hội các khuyến nghị cụ thể về cải cách WHO để cùng thực hiện. Trước đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng nhất trí với Washington về việc xem xét cải tổ toàn diện WHO và tổ chức này cũng đã cam kết “minh bạch, có trách nhiệm và cải tiến liên tục”. Mỹ từng đi đầu trong một số thủ tục cải cách, nhưng ảnh hưởng đó sẽ không còn nữa nếu họ thực sự rời WHO.

WHO hôm 7-7 thừa nhận “những bằng chứng đang xuất hiện” về sự lây truyền của SARS-CoV-2 trong không khí, nhưng nói thêm rằng vẫn chưa có xác nhận cuối cùng. Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng Benedetta Allegranzi cho biết cơ quan này vẫn tiếp tục hỗ trợ thu thập bằng chứng và làm rõ các luận điểm nhằm tránh gây khủng hoảng toàn cầu.

MAI QUYÊN (Theo Hill)

Chia sẻ bài viết