16/07/2020 - 06:56

Mỹ quyết mạnh tay với Trung Quốc 

Sau khi từ bỏ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc khi thông qua sắc lệnh chấm dứt chế độ ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong.

Tàu khu trục USS Ralph Johnson. Ảnh: U.S Navy

Phát biểu hôm 14-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Hong Kong về sau sẽ được đối xử tương tự Trung Quốc đại lục, nghĩa là “không có đặc quyền, chế độ kinh tế đặc biệt hay xuất khẩu công nghệ nhạy cảm”. Bước đi này của Washington là muốn Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành động vi phạm chính sách tự trị của đặc khu, ông Trump nêu rõ.

Theo Nhà Trắng, sắc lệnh mới sẽ thu hồi giấy phép ngoại lệ trong hoạt động xuất khẩu sang Hong Kong và xóa bỏ những biệt đãi dành cho công dân mang hộ chiếu vùng lãnh thổ này. Sắc lệnh cũng yêu cầu phong tỏa tài sản ở Mỹ của bất kỳ cá nhân nào chịu trách nhiệm hoặc dính líu hoạt động làm suy yếu thể chế dân chủ của đặc khu.

Ngoài ra, Nhật báo Phố Wall cho biết Tổng thống Trump đã ký ban hành Ðạo luật Hong Kong được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, nhắm tới các quan chức Trung Quốc, cảnh sát Hong Kong và các thực thể liên quan quá trình thực thi luật an ninh mới. Trong đó gồm lệnh hạn chế về thị thực hoặc trừng phạt bất kỳ ngân hàng nào giao dịch với những đối tượng trên.

Cùng ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cho biết Washington đang cân nhắc mọi phương án đáp trả yêu sách bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Ðông, bao gồm trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan. Phát biểu tại hội nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông Stilwell cho biết ảnh hưởng từ những hành vi của Bắc Kinh ở Biển Ðông - điển hình như cưỡng ép các quốc gia nhỏ và thách thức các hiệp ước quốc tế, đang vượt khỏi khu vực khi cường quốc châu Á không ngừng gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu. Quan chức Mỹ còn chỉ trích tham vọng của Trung Quốc giành quyền lợi, dọa nạt và kiểm soát là “chiến thuật xã hội đen”. Vì lẽ này, ông cho rằng hành động cụ thể và thiết thực là “ngôn ngữ” mà Trung Quốc thông qua đó sẽ hiểu Mỹ không để họ biến Biển Ðông thành “ao nhà”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Ðông và xác định những nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền từ Bắc Kinh đều bất hợp pháp. Ngay sau tuyên bố này, Hải quân Mỹ cho công bố hình ảnh tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Mỹ nêu rõ yêu sách bất hợp pháp và hành vi càn quét ở Biển Ðông là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải.

Từ đầu năm đến nay, Lầu Năm Góc đã thực hiện ít nhất 6 chiến dịch như vậy cùng với gia tăng điều động máy bay ném bom chiến lược đến khu vực để phản đối Trung Quốc tăng cường hoạt động thúc đẩy yêu sách chủ quyền trên Biển Ðông, cưỡng ép các nước láng giềng trong lúc thế giới đối phó đại dịch COVID-19. Ðầu tháng này, Mỹ còn điều hai nhóm tàu sân bay tác chiến đến Biển Ðông tham gia tập trận quân sự cùng lúc quân đội Trung Quốc tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo Hải quân Mỹ, duy trì tự do hàng hải là một nguyên tắc. Trường hợp một số nước tiếp tục tuyên bố và đòi quyền lợi không nằm trong thẩm quyền được quy định theo luật pháp quốc tế, Washington sẽ còn bảo vệ các quyền và tự do trên biển được đảm bảo cho tất cả mọi người. “Không có thành viên nào trong cộng đồng quốc tế vì bị đe dọa mà phải từ bỏ quyền và tự do của họ” - Hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Ngày 15-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đăng một tuyên bố trên trang điện tử của bộ này bày tỏ “phản đối mạnh mẽ và kịch liệt lên án” động thái của phía Mỹ ký ban hành luật liên quan đặc khu hành chính Hong Kong. Tuyên bố nêu rõ Trung Quốc sẽ có những phản ứng cần thiết để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể liên quan của Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết