14/03/2019 - 09:54

Mỹ phá đường dây ‘’chạy’’ vào đại học danh giá 

Nâng điểm, làm giả bài thi, chứng từ, hồ sơ thí sinh là một trong những “mánh khóe” được áp dụng trong đường dây gian lận tuyển sinh giúp con cái giới giàu có, nổi tiếng ở Mỹ vào những trường đại học danh giá.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Hôm 12-3, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trong chiến dịch Varsity Blues đã tiến hành bắt giữ hàng chục người liên quan vụ bê bối thi cử lớn nhất được phanh phui trong lịch sử nước này. Theo hồ sơ tòa án, các phụ huynh gồm diễn viên nổi tiếng Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp và những người giàu có khác đã chi hàng triệu USD lo lót nhằm đảm bảo con cái họ được nhận vào những đại học tốt nhất ở Mỹ như Yale, Georgetown, Stanford hay Nam California (USC).

Nghi can hàng đầu trong đường dây là William “Rick” Singer (ảnh), 58 tuổi, lãnh đạo công ty tư vấn và dự bị đại học Edge College & Career Network ở California. Ông này đã nhận các tội liên quan vai trò điều hành đường dây gian lận thi cử với mức phí từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD cho mỗi suất trúng tuyển. Các khoản thanh toán được che đậy dưới hình thức quyên góp từ thiện. “Chúng tôi giúp những gia đình giàu có nhất ở Mỹ chạy suất học cho con vào các trường danh tiếng. Người năng lực có thể tự đi vào bằng “cửa trước”.  Còn “cửa sau” dành cho ai có điều kiện với giá gấp 10 lần và tôi đã mở ra cánh cửa này” - bị can cho biết. “Ông trùm” đường dây gian lận thi cử tổng cộng kiếm được 25 triệu USD, có thể đối mặt 65 năm tù và án phạt hơn 1 triệu USD sau khi nhận các tội danh khác gồm lừa đảo, rửa tiền và cản trở công lý.

Phía công tố cho biết đường dây này hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ. Theo đó, đường dây của Singer hướng dẫn phụ huynh các “mánh khóe’’ như làm giả giấy chứng nhận y tế bị khuyết tật khi đứa trẻ tham gia kỳ thi chuẩn hóa xét tuyển vào đại học ở Mỹ gồm SAT hoặc ACT. FBI cho biết các bậc cha mẹ cũng có thể lấy nhiều lý do để con của họ được thi tuyển tại những cơ sở mà giám thị đã bị mua chuộc. Phụ huynh cũng có thể trả từ 15.000-75.000 USD cho công ty của Singer để tìm người thi hộ, chỉ đáp án hoặc sửa câu trả lời khi chấm thi. Ngoài ra, nhiều thí sinh còn được đặc tuyển với tư cách vận động viên có thành tích nổi bật dù không đủ năng lực. Chẳng hạn một huấn luyện viên bóng đá nữ tại Đại học Yale được “lót tay” 400.000 USD để nhận một sinh viên mà người này thậm chí còn không chơi môn thể thao nói trên.

Đại học Yale, Georgetown, Wake Forest và Texas cho biết đang hợp tác với các nhà điều tra. Trong khi đó, USC đã sa thải hai nhân viên bị truy tố. Đến nay, nhà chức trách đã xác nhận 33 phụ huynh, 13 huấn luyện viên và cộng sự trong mạng lưới của Singer. Một số nhân vật có tên tuổi bị buộc tội gồm Giám đốc điều hành (CEO) công ty tài chính Hercules Capital Manuel Henriquez, đồng Chủ tịch công ty luật quốc tế Willkie Farr & Gallagher Gordon Caplan; người đứng đầu nhánh đầu tư công ty TPG Capital Bill McGlashan Jr và cựu CEO công ty quản lý đầu tư Pimco Douglas Hodge. Những nghi can bị cáo buộc chủ mưu lừa đảo và các bậc phụ huynh chi tiền lo lót có thể đối mặt án tù lên tới 20 năm. Công tố viên cũng nói thêm, nhiều trường hợp thí sinh không hề biết quá trình thi cử được sắp xếp nhưng cũng có người cố tình tham gia. Hiện không có thí sinh nào bị truy tố.

Theo BBC, sự việc đang dấy lên làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội khi nhiều ý kiến cho rằng hệ thống đại học Mỹ đã thiên vị và ủng hộ những người Mỹ da trắng giàu có. Đây cũng là vụ mới nhất trong loạt bê bối làm rung chuyển hệ thống tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu nước này. Những năm trước, công tố viên ở Boston đã buộc tội các công dân Trung Quốc gian lận thi cử trong quá trình xét tuyển đầu vào. Đặc biệt năm 2016, đơn vị quản lý các bài kiểm tra SAT bị “rung chuyển” sau vi phạm an ninh làm lộ hàng trăm câu hỏi dự kiến trong các đề kiểm tra.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết