18/08/2018 - 18:41

Mỹ ngại vũ khí không gian “bí ẩn” của Nga 

Gần đây, Mỹ lên tiếng cảnh báo một vệ tinh mà Nga phóng lên quỹ đạo Trái đất hồi tháng 10-2017 có những biểu hiện “rất lạ", nên nghi ngờ đây có thể là một loại vũ khí không gian.

 Nga phóng tên lửa Soyuz mang theo vệ tinh bí ẩn hồi tháng 6-2017. Ảnh: Daily Mail

Tại Hội nghị Giải giáp vũ khí ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 14-8, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Kiểm soát vũ khí Yleem Poblete cho rằng hoạt động của vệ tinh mà Mát-xcơ-va tuyên bố là “giám sát thiết bị không gian” không giống với bất cứ thứ gì được thấy trước đây. Tiến sĩ Poblete nhấn mạnh rằng vật thể này là mối lo đáng kể trong bối cảnh giới chức xứ bạch dương có những phát biểu công khai về mong muốn phát triển vũ khí không gian.

Một quan chức Không quân Nga hồi đầu năm ngoái khẳng định Nga đang phát triển các tên lửa mới có thể phá hủy vệ tinh. Đến tháng 3 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ “6 siêu vũ khí mới”, trong đó có hệ thống laser di động Peresvet có thể bắn hạ các vệ tinh và tên lửa đạn đạo. Bà Poblete nêu lên “những lo ngại to lớn” của Mỹ về nỗ lực của Nga nhằm đưa vũ khí vào không gian, đặc biệt vũ khí chống vệ tinh có thể nhắm vào các vệ tinh phục vụ cho mục đích thương mại, khoa học và quân sự của xứ cờ hoa.

Trong khi bà Poblete không nêu cụ thể vệ tinh bí ẩn của Nga, thì giới phân tích quân sự cho rằng khả năng là vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo trước tháng 10-2017 và sau đó mới được kích hoạt. Vệ tinh đáp ứng các tiêu chí này là Kosmos 2521 (Sputnik Inspektor). Sputnik Inspektor là tiểu vệ tinh tách khỏi vệ tinh Kosmos 2519 hồi cuối tháng 8 cùng năm. Hai tháng sau, bản thân Sputnik Inspektor cũng tự giải phóng vệ tinh Kosmos 2523 và đây có thể là điều gây lo lắng cho Mỹ.

Trong thông báo đưa ra hồi tháng 8-2017, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào ngày 23-6-2017, một tàu không gian được phóng từ bãi phóng Plesetsk Cosmodrome và đến tháng 8 diễn ra một vụ tách tàu vũ trụ nhỏ để giám sát tình trạng của một vệ tinh Nga. Cuối cùng là sự xuất hiện “tàu không gian giám sát nhỏ”. Chưa rõ ba vệ tinh này thực hiện nhiệm vụ gì, nhưng truyền thông Úc cho rằng Nga đã đầu tư đáng kể vào việc sở hữu khả năng vệ tinh có khả năng bay theo quỹ đạo và tương tác với các vệ tinh khác. Từ đó, vệ tinh Nga có thể gắn thiết bị giám sát vào vệ tinh đối phương, phá thiết bị và thậm chí là thâu tóm nó.

Đáp lại, Alexander Deyneko, thành viên của phái đoàn Nga tại hội nghị, gọi lập luận của bà Poblete là “những cáo buộc vô căn cứ và vu khống”.

Những ồn ào xung quanh vệ tinh bí ẩn của Nga diễn ra chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công bố kế hoạch thành lập Quân chủng Không gian vào năm 2020. Quân chủng Không gian sẽ được kết hợp với hệ thống radar trên mặt đất mang tên Hàng rào Không gian mới, có chức năng lập biểu đồ các mảnh rác ngoài vũ trụ, dù đường kính nhỏ chỉ 1cm. Thiết bị này có thể sử dụng bên cạnh căn cứ RAF Fylingdales ở Anh như là một phần của hệ thống theo dõi vệ tinh Nga và Trung Quốc.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính hiện có hơn 500.000 mảnh rác vũ trụ trôi dạt ngoài không gian với tốc độ hơn 27.300km/h và có thể đe dọa các vệ tinh và phi thuyền có người lái chẳng hạn như Trạm Vũ trụ Quốc tế.

THANH BÌNH (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết