KIẾN HÒA (Tổng hợp)
Trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 18 và 19-6, Ngoại trưởng Antony Blinken trở thành quan chức cấp cao nhất của Chính phủ Mỹ thăm Trung Quốc kể từ năm 2019, đồng thời là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Bắc Kinh kể từ năm 2018 và là quan chức chính phủ cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc kể từ năm 2021. Tuy không kỳ vọng có bước đột phá nào cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới, nhưng chuyến công du của ông Blinken có thể giúp Mỹ và Trung Quốc giảm nguy cơ đối đầu, thậm chí xung đột.
Các mục tiêu chính của Mỹ
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tiếp tỉ phú Bill Gates hôm 16-6. Ảnh: Xinhua
Kurt Campbell, đặc phái viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, hôm 14-6 cho biết Ngoại trưởng Blinken có 3 mục tiêu trong chuyến công du Trung Quốc. Thứ nhất, đó là thiết lập các kênh giao tiếp nhằm thảo luận các thách thức nghiêm trọng, giải quyết những nhận thức sai lệch và ngăn ngừa tính toán sai lầm. Thứ hai, đó là nêu ra những lo ngại của Mỹ về hàng loạt các vấn đề. Và thứ ba là khám phá tiềm năng hợp tác về các thách thức xuyên quốc gia, bao gồm chống biến đổi khí hậu. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink thì nhấn mạnh, chuyến đi của ông Blinken tập trung vào việc thiết lập các kênh viễn thông nhằm giải quyết những nhận thức sai lệch và ngăn ngừa tính toán sai lầm, đồng thời đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa các siêu cường địch thủ không dẫn đến xung đột.
Ông Blinken đáng lý đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 2 năm nay nhưng vụ “khinh khí cầu do thám” của Trung Quốc bị phát hiện trên bầu trời Mỹ và sau đó bị bắn hạ khiến chuyến công du bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ sau đó có cuộc gặp với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có cuộc gặp với ông Vương tại Vienna (Áo) hồi tháng 5. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã có chuyến thăm Washington gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong tháng 5 nhân dịp sang Mỹ dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Bên cạnh những cuộc tiếp xúc kể trên, hai nước cũng thường xuyên đấu tố căng thẳng lẫn nhau. Trong đó có việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloud Austin tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng 6 ở Singapore và hai bên đã có những lời chỉ trích qua lại gay gắt. Cùng với đó, một tàu chiến của Trung Quốc được cho suýt va chạm với một tàu khu trục Mỹ trên vùng biển quốc tế ở eo biển Đài Loan. Ngay sau hai sự kiện trên, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kritenbrink và Giám đốc Cục Tình báo trung ương William Burns đến thăm Trung Quốc.
Thế nhưng trước khi thăm Trung Quốc, ông Blinken lại có cuộc điện đàm căng thẳng với Ngoại trưởng Tần Cương và điều đó báo hiệu chuyến công du không có đột phá của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ.
Chờ cuộc gặp Blinken - Tập Cận Bình
Trước khi bay sang Bắc Kinh, Ngoại trưởng Blinken hôm 16-6 đã tiếp đón người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan tại Washington. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Blinken cho biết chuyến đi Trung Quốc của ông là kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra ở Bali, Indonesia hồi tháng 11 năm ngoái. Ông Blinken cho biết Mỹ muốn thiết lập các kênh liên lạc “cởi mở và có quyền hạn” để tránh tính toán sai lầm, bày tỏ thẳng thắn về các mối quan tâm và khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu, bao gồm ổn định kinh tế và biến đổi khí hậu. “Cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi ngoại giao bền vững để đảm bảo rằng cạnh tranh không dẫn đến đối đầu hoặc xung đột”, ông Blinken nhấn mạnh.
Các nhà phân tích cho rằng thước đo thành công cho chuyến thăm Trung Quốc rất được mong đợi của Ngoại trưởng Mỹ Blinken không phải là liệu nó có tạo ra các thỏa thuận đột phá hay không mà liệu nó có tái thiết lập một số khả năng dự đoán cho mối quan hệ giữa hai đối thủ hay không. Ryan Haas, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Brookings (Mỹ), đánh giá chuyến đi này là bước đầu tiên trong quá trình khám phá xem hai bên có đủ ý định chung để cố gắng điều chỉnh quỹ đạo của mối quan hệ hay không. Để đoán xem quan hệ Trung - Mỹ có thể cải thiện tốt hơn hay không thì theo bà Patricia Kim, cũng là nhà nghiên cứu của Viện Brookings, đó là việc ông Tập Cận Bình có tiếp Ngoại trưởng Blinken hay không. Theo bà Kim, ông Tập vừa dành thời gian tiếp tỉ phú Bill Gates và vì vậy sẽ rất đáng ngạc nhiên nếu ông ấy không dành thời gian cho Ngoại trưởng Mỹ. Nếu không có cuộc gặp này, theo bà Kim, sẽ gửi một thông điệp rằng có điều gì đó không ổn.
Trong cuộc gặp với nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft hôm 16-6, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Bill Gates là “người bạn Mỹ đầu tiên” mà ông gặp tại Bắc Kinh trong năm nay. Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc “luôn đặt hy vọng vào nhân dân Mỹ và hy vọng duy trì tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Theo tờ South China Morning Post, chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken còn có mục tiêu lớn là phục vụ cho Hội nghị cấp cao APEC do Mỹ tổ chức tại thành phố San Francisco vào tháng 11 năm nay. Theo bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ) nói rằng ông Tập muốn đến San Francisco và có cuộc gặp song phương với ông Biden. Thậm chí, ông Tập và ông Biden có thể gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ vào tháng 9 tới.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp David Dollar của Viện Brookings, việc “mở cửa” đón tiếp Ngoại trưởng Blinken là cách Trung Quốc chứng minh với châu Âu và các đồng minh của Mỹ rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác để “ngăn chặn vòng xoáy đi xuống” với Washington, qua đó nhằm trấn an giới đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trước sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Châu Âu đang do dự hợp tác đầy đủ với Mỹ nhằm cạnh tranh công nghệ và kìm hãm Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do cho chuyến thăm Đức và Pháp của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từ ngày 18-6.