10/05/2024 - 08:58

Mỹ lo Trung Quốc tấn công các căn cứ quân sự 

John Moolenaar, tân Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc thuộc Hạ viện Mỹ, cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden “thiếu sự cấp bách một cách đáng báo động” trong việc áp dụng các biện pháp phòng thủ nhằm bảo vệ những căn cứ quân sự của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.

Máy bay ném bom B-1B Lancer tại Căn cứ Không quân Anderson trên đảo Guam. Ảnh: AP

“Với năng lực tấn công hiện tại, Trung Quốc có thể tấn công các căn cứ Mỹ trong khu vực, bao gồm trên các lãnh thổ Guam và Quần đảo Mariana”, Chủ tịch Moolenaar cảnh báo. Theo ông, một phân tích mới cho thấy Trung Quốc “có đủ vũ khí để áp đảo hệ thống phòng không và tên lửa của Mỹ đang bảo vệ các căn cứ đó”.

Vị này lo ngại các cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ “có thể làm tê liệt nhiều tài sản không quân quan trọng, làm gián đoạn chuỗi hậu cần và gây suy yếu đáng kể khả năng ứng phó của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột”.

Ông lưu ý các căn cứ Mỹ trong khu vực hầu như không có hầm trú ẩn kiên cố cho máy bay như các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Ông Moolenaar giải thích rằng, không bất ngờ khi trong các cuộc tập trận gần đây mô phỏng xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, 90% tổn thất máy bay Mỹ xảy ra trên mặt đất chứ không phải do không chiến. 

Được biết, Trung Quốc có 800 hầm trú ẩn máy bay kiên cố, so với 100 hầm trú ẩn của Mỹ tại các căn cứ ở Guam, Quần đảo Mariana, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Moolenaar phát cảnh báo trên khi các đồng nghiệp trong Quốc hội Mỹ chỉ ra rằng Guam là khu vực cần được chú ý thêm. Đây là lãnh thổ cực Tây của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nơi sinh sống của khoảng 170.000 công dân xứ cờ hoa. Bộ Quốc phòng Mỹ sở hữu khoảng 1/4 diện tích đất đai ở Guam và có lực lượng quân sự gồm gần 7.000 binh sĩ đang đồn trú trên đảo.

Guam có Căn cứ Hải quân Guam, căn cứ tàu ngầm duy nhất của Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cũng như Căn cứ Không quân Anderson, một căn cứ không quân lớn có thể tiếp đón các máy bay ném bom và máy bay chiến lược của nước này.

Nhưng Guam gần Bắc Kinh hơn nhiều so với đảo Hawaii và nằm trong tầm bắn của các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc và Triều Tiên. Giới chức Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể nhắm tới Guam.

Đối mặt mối đe dọa tên lửa từ Bắc Kinh, Washington đã mở rộng các cuộc tập trận cũng như tăng cường kết nối với các đồng minh và đối tác ở Thái Bình Dương để chống lại không chỉ PLARF mà còn cả quân đội Trung Quốc nói chung. Mỹ cũng tăng cường khả năng phòng không trong khu vực, triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và hợp tác với Hải quân Nhật Bản về các công cụ đánh chặn tên lửa đạn đạo như SM-3 Block IIA, một phần trong Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Tại Guam, quân đội Mỹ đã nhanh chóng triển khai một dự án và văn phòng mới phục vụ cho việc bảo vệ hòn đảo.

Kho vũ khí ngày càng lớn của Trung Quốc

Trong các cuộc phỏng vấn với tờ Business Insider, các quan chức quân sự đương chức và về hưu của Mỹ mô tả sự trỗi dậy nhanh chóng của Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF) là mối quan tâm chính.

Lầu Năm Góc cho biết quân đội Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2022 đã tăng gấp đôi số lượng tên lửa dự trữ, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) mà nước này có thể sử dụng để nhắm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật và các tên lửa tầm trung có khả năng vươn tới Guam. Trong đó, PLARF có 1.000 MRBM với tầm bắn 1.000-1.300km và 500 tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) với tầm bắn 3.000-5.500km.

Cựu sĩ quan Hải quân Mỹ Bryan Clark cho biết với kho vũ khí gồm hàng ngàn tên lửa, Trung Quốc đang phát tín hiệu rằng họ có thể tấn công các căn cứ và tàu chiến Mỹ trong khu vực mà không cần cảnh báo trước. Trong số đó có tên lửa DF-26, thường được gọi là “Sát thủ Guam” vì nó có thể vươn tới lực lượng Mỹ trên hòn đảo cách Bắc Kinh gần 4.900km.

HẠNH NGUYÊN (Theo Fox News)

Chia sẻ bài viết