15/08/2020 - 18:14

Mỹ đơn độc trong cấm vận vũ khí chống Iran 

Chỉ có CH Dominica bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống Iran trong cuộc họp trực tuyến và bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 14-9, qua đó dấy lên một cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ mới tại cơ quan quyền lực này như lời đe dọa của Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không thể thuyết phục HĐBA LHQ thông qua nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống Iran. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không thể thuyết phục HĐBA LHQ thông qua nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống Iran. Ảnh: AFP

Theo kết quả bỏ phiếu, Mỹ và CH Dominica bỏ phiếu thuận, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, trong khi 11 quốc gia khác bỏ phiếu trắng gồm: Pháp, Anh, Bỉ, Ðức, Việt Nam, Nam Phi, Indonesia, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Tunisia và Estonia.  Ðể dự thảo nghị quyết được thông qua cần 9 phiếu thuận và không có bất kỳ phiếu chống nào từ 5 nước thành viên thường trực HÐBA LHQ. Dẫu biết trước rằng Nga và Trung Quốc sẽ bỏ phiếu phủ quyết, nhưng việc cả Anh và Pháp cũng không bỏ phiếu ủng hộ khiến Mỹ cảm thấy bị đơn độc, bối rối.

Vì sao nghị quyết bị đa số bác bỏ?

Lệnh cấm vận vũ khí chống Tehran được HÐBA LHQ ban hành năm 2007 và sẽ hết hiệu lực vào ngày 18-10 theo  thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Ðức) ký tháng 7-2015. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018 và gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất” dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ðáp lại, Iran đã có những bước đi được cho vi phạm thỏa thuận này sau khi bị Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ thật ra ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống Iran bởi họ lo ngại nếu gỡ lệnh trừng phạt này có thể gây bất ổn tại Trung Ðông. Ðức đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc rằng việc chấm dứt lệnh cấm vận sẽ thúc đẩy Iran chuyển giao vũ khí cho các đồng minh ở Yemen, Lebanon, Syria và Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cảnh báo nếu quốc tế không duy trì lệnh cấm vận vũ khí chống Iran sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Ðông. Tuy nhiên, các nước châu Âu cho rằng ưu tiên hàng đầu của họ là duy trì thỏa thuận hạt nhân, mà xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một điều khoản bắt buộc. Phía Iran cũng đã cảnh báo việc duy trì lệnh cấm vận vũ khí đồng nghĩa chấm dứt thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Mỹ sẽ ép HĐBA trừng phạt Iran?

Trước khi kết quả bỏ phiếu dự thảo nghị quyết cấm vận vũ khí chống Iran của Mỹ được công bố, Ngoại trưởng Pompeo đã cảnh báo: “Việc HÐBA không hành động dứt khoát để bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới là điều không thể bào chữa". Sau kết quả bỏ phiếu, Ðại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft nhấn mạnh: “Thất bại hôm nay của HÐBA sẽ không phục vụ cho hòa bình hay an ninh. Thay vào đó, nó châm ngòi cho cuộc xung đột lớn hơn và gây mất an ninh hơn nữa”.

Như đe dọa trước đó, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố nước này sẽ sử dụng một điều khoản gây tranh cãi trong JCPOA để yêu cầu HÐBA LHQ khôi phục lại tất cả lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran. Giới ngoại giao và luật sư Mỹ biện minh rằng dù Tổng thống Trump rút khỏi JCPOA nhưng về mặt kỹ thuật, nước này vẫn còn là bên tham gia thỏa thuận và có quyền  kích hoạt điều khoản trên. Hãng tin AFP nhận định đây sẽ là hành động đơn phương của Mỹ và điều này có thể đẩy HÐBA vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ chưa từng có. Châu Âu cảnh báo hành động của Mỹ có thể làm “bất chính hóa” HÐBA LHQ.

Zhang Jun, Ðại sứ Trung Quốc tại LHQ, sau cuộc bỏ phiếu hôm 14-8 nhắc lại rằng Mỹ không còn là thành viên của thỏa thuận 2015 nên không có đủ tư cách để yêu cầu HÐBA LHQ viện dẫn điều khoản đó. “Nếu Mỹ vẫn bất chấp dư luận quốc tế, họ sẽ chuốc lấy thất bại như hôm nay. Chủ nghĩa đơn phương không nhận được sự ủng hộ và bắt nạt sẽ thất bại” - ông Zhang nhấn mạnh.

Trong khi cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết gia hạn cấm vận vũ khí chống Iran của Mỹ đang diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đề xuất tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến 7 bên, bao gồm 5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ cùng Đức và Iran nhằm tránh gia tăng xung đột. Điện Élysée cho biết Tổng thống Pháp  Emmanuel Macron cũng có chung ý tưởng với ông Putin. Đại sứ Kelly Craft trước đó cho biết Mỹ vẫn “duy trì không gian mở” cho đàm phán với Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc. Mục tiêu chính của Tổng thống Trump là nhấn chìm thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng ông đứng trước áp lực phải đạt được nghị quyết gia hạn cấm vận vũ khí chống Tehran khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến gần.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết