04/05/2010 - 08:53

Mỹ đối mặt với thảm họa môi trường "chưa từng có"

Một ngư dân Louisiana đã đổ thùng cua vừa đánh bắt được xuống biển vì lo ngại chúng nhiễm độc từ vụ tràn dầu.

* Cuộc sống của hàng nghìn người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởng

(TTXVN)- Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2-5 tuyên bố Washington đang phải đối phó với một thảm họa môi trường nghiêm trọng chưa từng có sau khi giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở ngoài khơi bang Louisiana bị nổ và chìm hồi cuối tháng trước.

Phát biểu sau khi đến thị sát khu vực bờ biển Louisiana - một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa “thủy triều đen”, Tổng thống Obama cho rằng tình trạng dầu loang có thể hủy hoại kế sinh nhai của hàng nghìn người dân Mỹ. Ông nhận định sẽ phải mất một thời gian dài nữa mới có thể ngăn chặn được thảm họa và cho rằng Tập đoàn dầu mỏ Anh (BP), hãng vận hành giàn khoan nói trên, phải chịu trách nhiệm cũng như chi trả toàn bộ số tiền khắc phục sự cố.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Bộ trưởng Nội vụ Ken Salazar cho rằng có thể sẽ phải mất 90 ngày trước khi một giếng phụ được hoàn thành để ngăn chặn dầu loang. Tuy nhiên, lãnh đạo BP cho biết một hệ thống ngăn chặn dầu rò rỉ sẽ được triển khai trong vòng từ 6-8 ngày tới.

Cũng trong ngày 2-5, Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm tất cả các hoạt động đánh bắt thương mại và giải trí trong ít nhất 10 ngày tại các vùng biển thuộc các bang Louisiana, Mississippi và Florida. Thông báo của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết để cân bằng các mối lo ngại về kinh tế và sức khỏe, yêu cầu ngừng các hoạt động đánh bắt hải sản chỉ nên áp dụng tại những khu vực bị ảnh hưởng của dầu. Cơ quan này khẳng định không có rủi ro nào về sức khỏe liên quan tới hải sản hiện đang được bày bán trên thị trường.

Hiện hàng nghìn người Mỹ gốc Việt sống bằng nghề đánh bắt tôm đang bị ảnh hưởng do sự cố dầu tràn này. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC của Mỹ, ông Phạm Phùng, 55 tuổi, sống tại bang Louisiana, lo ngại lượng lớn dầu loang trên mặt nước sẽ ảnh hưởng tới việc đánh bắt tôm - công việc mà ông đã gắn bó trong suốt 23 năm qua và nuôi sống gia đình ông. Ông Phạm Phùng cho biết những người đánh bắt tôm như ông đang lo sợ vì phải mất nhiều ngày nữa họ mới lại ra khơi được và điều này sẽ đe dọa cuộc sống của các gia đình ngư dân.

Chia sẻ bài viết